Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thành công trong việc kiềm chế lạm phát?
Những lo ngại về lạm phát đang lan rộng ở Phố Wall, khi nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu có thể làm sáng tỏ việc Fed có thành công trong kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng xấu tăng trưởng kinh tế?
Những lo ngại về lạm phát đình trệ đang lan rộng trên Phố Wall, khi các nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu có thể làm sáng tỏ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thành công trong việc kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế hay không.
Lạm phát đình trệ - sự kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát dai dẳng - đã đeo bám nước Mỹ trong những năm 1970 - làm giảm sức hấp dẫn của cả cổ phiếu và trái phiếu, khiến các nhà đầu tư có ít cơ hội kiếm tiền hơn.
Mặc dù còn lâu mới có thể khẳng định nhưng kịch bản này đã xuất hiện rất nhiều trong tâm trí các nhà đầu tư khi lạm phát gia tăng vào năm ngoái đã buộc Fed phải khởi động một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ mà nhiều người cho rằng sẽ gây ra suy thoái.
Một số người cũng tin rằng sự hỗn loạn gần đây của ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và hạn chế hơn nữa đà tăng trưởng kinh tế, buộc Fed phải cắt giảm lãi suất trước khi lạm phát được kiểm soát.
Cuộc khảo sát của BoFA Global Research vào tháng Tư vừa qua đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu cho thấy dự báo về khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử, với 86% cho rằng đó sẽ là một phần của bối cảnh kinh tế vĩ mô vào năm 2024.
Dữ liệu về giá tiêu dùng tháng Tư năm nay của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 10/5 tới, có thể đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về việc liệu các đợt tăng lãi suất của Fed có “hạ nhiệt” được lạm phát hay không. Một con số không mong đợi có thể ảnh hưởng đến đợt phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ, vốn giúp chỉ số S&P 500 tăng gần 8% kể từ đầu năm nay.
Phil Orlando, chiến lược gia trưởng về thị trường chứng khoán tại công ty quản lý đầu tư Federated Hermes, cho biết: “Lạm phát đình trệ là một mối lo ngại ngày càng tăng. Lạm phát cao hơn rất nhiều so với dự đoán của Fed và nó đang giảm với tốc độ cực kỳ chậm, trong khi chúng tôi cho rằng nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm.”
Dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ, vừa được công bố ngày 5/5 vừa qua, cho thấy tiền lương theo giờ của người lao động trong tháng Tư năm nay đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng quá mạnh so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ với số việc làm được tạo mới tăng vượt dự kiến, còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 53 năm.
Tuy vậy, những nhận định trên thị trường tương lai tiếp tục cho thấy các nhà giao dịch nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Song các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này đã khẳng định họ sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm 2023 sau khi tăng thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tuần này.
Jose Torres, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Interactive Brokers, tin rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong cuối năm nay. Ông Torres cho biết các yếu tố bao gồm giá cả hàng hóa cao hơn và sự chuyển đổi từ chuỗi cung ứng toàn cầu sang chuỗi cung ứng địa phương có khả năng khiến lạm phát tăng cao ngay cả khi đà tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Ông Torres bày tỏ sự lạc quan hơn đối với các cổ phiếu trong các lĩnh vực như tiện ích, với kỳ vọng doanh thu gia tăng của các công ty đó sẽ hỗ trợ lợi nhuận khi lạm phát đè nặng lên định giá cổ phiếu và chỉ số S&P 500 lao dốc. Ông Torres cho biết: “Fed đã phạm sai lầm khi nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian quá dài. Sẽ mất nhiều thời gian hơn thị trường dự kiến để đưa lạm phát của Mỹ trở lại mức mục tiêu 2%.”
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 5% trong tháng Ba năm nay, cao hơn nhiều so với các mức đã ghi nhận trong thập kỷ qua mặc dù đã giảm so với mức cao nhất của tháng 6/2022 là 9,1%. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm hơn dự kiến trong quý 1 vừa qua, trong khi hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm vào tháng trước.
Các giai đoạn lạm phát đình trệ trong quá khứ đã đè nặng lên thị trường cổ phiếu. Theo Goldman Sachs, trong 60 năm qua, S&P 500 đã giảm trung bình 2,1% trong các quý được liên quan tới lạm phát đình trệ, trong khi tăng trung bình 2,5% trong tất cả các quý khác.
Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại LPL Financial, đã lựa chọn mua vàng. Giá kim loại quý này, một công cụ phòng ngừa lạm phát phổ biến và là nơi trú ẩn an toàn trong những thời điểm không bất ổn, đã tăng lên gần mức cao kỷ lục trong năm nay, do những lo ngại về địa chính trị và khả năng xảy ra tranh cãi về trần nợ của Mỹ. Bà Krosby nói: “Đối với tôi, có vẻ như vàng đang đánh hơi được dấu hiệu của lạm phát đình trệ.”
Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác lại lạc quan hơn, tin rằng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ được giữ vững trong năm nay. Charlie McElligott, Giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô tại Nomura Securities, đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,7% trong quý 2 này.
Ông McElligott cho rằng Fed khó có thể tăng lãi suất cao hơn nữa. Ông nói: “Mọi người đều được cảnh báo về ngày tận thế, nhưng khi bạn biết chắc rằng Fed sẽ thoát khỏi cuộc chơi tăng lãi suất, đó là một chỗ dựa vững chắc hơn nhiều đối với các nhà đầu tư, thay vì bất kỳ dự đoán nào cho năm nay vào thời điểm này”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay