“Cú hích” cho KSB
Sau nhiều khó khăn, thách thức năm 2021, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HoSE: KSB) được kỳ vọng sẽ vực dậy hoạt động nhờ “cú hích” từ đầu tư công trong năm nay.
KSB đã trải qua năm 2021 thất bát vì COVID-19 khi lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 23% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận giảm mạnh
Theo BCTC quý IV/2021 của KSB, doanh thu thuần chỉ đạt 235 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn giảm mạnh hơn nên lãi gộp giảm 41% xuống 110 tỷ đồng. KSB sụt giảm nguồn thu ở cả 2 mảng bán hàng và cho thuê đất. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của KSB chỉ đạt 77 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu đạt 884 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi thấp nhất trong 5 năm qua của KSB.
Báo cáo giải trình về kết quả kinh doanh, KSB cho biết nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đều giảm.
Nguyên nhân này cũng là tác động chung đến kết quả tiêu cực của nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác như C32 (lãi ước giảm 29% và năm 2022 tiếp tục dự kiến giảm), hay Công ty Đá Núi Nhỏ giảm 1 nửa doanh thu và lợi nhuận giảm tới 65% so với cùng kỳ… Trên thực tế, COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị tác động tiêu cực bởi việc giãn cách xã hội kéo dài. Bên cạnh đó, năm 2021 chứng kiến một giai đoạn giá nguyên vật liệu leo thang, khiến những doanh nghiệp có đầu vào nhập khẩu cũng bị tác động; riêng khối doanh nghiệp khai thác đá không hứng chịu tác động giá hàng này.
Lực đẩy từ đầu tư công
KSB là một doanh nghiệp khoáng sản và xây dựng lớn, giai đoạn đầu tư trước tập trung hai mũi chính gồm mỏ và bất động sản công nghiệp. Trong đó, KSB có các mỏ đá Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Thiện Tân 7, Gò Trường, Bãi Giang, tập trung ở Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai với hầu hết giấy phép khai thác còn thời hạn từ 2023-2045.
253 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế năm 2021 của KSB, giảm tới hơn 23% so với năm 2020.
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh đầu tư khai thác mỏ, như mỏ Tân Lập, cùng chiến lược mua lại công ty cùng ngành VLB và sở hữu nhiều mỏ đá tại Đồng Nai với trữ lượng hơn 250 triệu tấn đá, giúp KLB không chỉ có điều kiện bù đắp doanh thu hụt từ mỏ Đông Hiệp, mà còn tăng tốc cung cấp cho thị trường khi nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng trở lại.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FDIT nhận định, năm 2021, đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như “máy xúc leo dốc, sẽ ủi mạnh mọi chướng ngại và tăng tốc đạt hiệu suất cao”. Trong đó, những doanh nghiệp sở hữu mỏ đá với vị trí thuận lợi sẽ được ưu tiên huy động do đá nặng, khối lượng riêng lớn nên việc vận chuyển xa sẽ tốn nhiều chi phí.
Điều này khá tương ứng với lợi thế vị trí các mỏ đá mà KSB đang sở hữu và khai thác, gắn liền hay xoay trục quanh các dự án đầu tư công trọng điểm phía Nam như một số dự án thành phần của Cao tốc Bắc- Nam…
Một chuyên gia cũng cho rằng, gói hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã lên tới 113,85 nghìn tỷ đồng, sẽ không chỉ kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh, mà là đòn bẩy có ý nghĩa với các doanh nghiệp đi cùng giá trị lan tỏa của đầu tư hạ tầng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận