Covid thổi bay 1.700 tỷ USD của các nền kinh tế châu Á trong năm 2020, tác động tiêu cực kéo dài ít nhất đến năm 2022
Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER), đại dịch đã khiến GDP của các nền kinh tế lớn nhất châu Á thiệt hại 1.700 tỷ USD trong năm 2020.
JCER đã ước tính thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra ở 15 quốc gia và khu vực tại châu Á bằng cách so sánh với các dự báo GDP được đưa ra trước đại dịch với tốc độ tăng trưởng thực tế.
Dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 năm 2019, JCER đã tính toán GDP danh nghĩa mà các quốc gia và khu vực sẽ đạt được nếu không có COVID-19 là 29.840 tỷ USD vào năm 2020, tăng 6,2% so với năm 2019. Nhưng thực tế, GDP đạt được lại khoảng 1.700 tỷ USD.
Trung Quốc hứng chịu mức thiệt hại kinh tế lớn nhất với 638 tỷ USD trong số 15 nền kinh tế được khảo sát. Do quy mô của kinh tế Trung Quốc chiếm một nửa GDP của châu Á và có vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,3% vào năm 2020.
Ấn Độ cũng bị giáng một đòn nghiêm trọng sau khi tăng trưởng 6% đến 8% trong vài năm trước đại dịch. Nước này đã công bố mức thiệt hại kinh tế lên đến 480 tỷ USD, mức giảm lớn thứ hai tại châu Á.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, ghi nhận mức thiệt hại kinh tế lớn thứ ba với 162 tỷ USD, do lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong GDP của nước này đã bị đình trệ nghiêm trọng do đại dịch.
Các ngành liên quan đến du lịch bị sụt giảm đặc biệt mạnh. JCER đã xem xét số liệu bán hàng từ khoảng 16.000 công ty niêm yết ở châu Á trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019 - trước khi đại dịch bắt đầu - và tháng 4 đến tháng 6 năm 2021.
Theo đó, các sòng bạc bị giảm doanh thu lớn nhất ở mức 53%, tiếp theo là các hãng hàng không với 49%.
Du lịch chiếm 20% GDP của Campuchia và tổng thiệt hại kinh tế của nước này là 4 tỷ USD. Thái Lan, quốc gia cũng phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, đã bị thổi bay 71 tỷ USD. Thai Airways International, hãng hàng không hàng đầu của Thái Lan, đã đệ đơn pvhá sản vào tháng 5 năm 2020. Vietnam Airlines cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính và đang tiến hành tái cơ cấu, bao gồm cắt giảm một nửa lực lượng lao động với hơn 20.000 người và thực hiện cắt giảm đáng kể chi phí lương và nhân sự.
Trong khi hầu hết các nền kinh tế châu Á đang phải vật lộn với đại dịch, chỉ có Đài Loan được hưởng lợi. So với dự báo trước đại dịch, GDP của Đài Loan đã tăng thêm 44 tỷ USD vào năm 2020, khi nhu cầu đối với nhiều sản phẩm công nghệ thông tin như máy chủ và điện thoại thông minh tăng lên khi nhiều người làm việc tại nhà.
GDP của châu Á trong nửa đầu năm 2021 phục hồi ở mức gần như dự báo trước Covid, phần lớn là do kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng và đồng Nhân dân tệ tăng giá so với đô la Mỹ đã mang lại sự hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng GDP.
Kinh tế châu Á sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, ngoại trừ Đài Loan. Nhưng trong ngắn hạn, sự suy giảm kinh tế trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021 là không thể tránh khỏi, do biến thể Delta có khả năng lây lan cao đã bùng phát từ tháng 7 tại nhiều khu vực ở châu Á.
Mặc dù đã có những động thái bình thường hóa nền kinh tế vào tháng 10 - bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế du lịch ở Thái Lan và Việt Nam - nhưng tác động tiêu cực trong trung hạn dự kiến sẽ tiếp diễn cho đến ít nhất là năm 2022 vì sự thiếu hụt nhân sự và thiết bị ở các quốc gia này.
Sự phục hồi của ngành du lịch có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đối với Đông Nam Á, nơi hầu hết các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du khách. Báo cáo của JCER nói rằng du lịch giữa các quốc gia có khả năng phục hồi nhờ triển khai hộ chiếu vắc-xin và chương trình "hộp cát", những biện pháp hạn chế sự di chuyển của khách nước ngoài đang được thử nghiệm ở Thái Lan và một số quốc gia khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận