Covid sẽ tiếp tục giữ dòng tiền trong các kênh đầu cơ, chứng khoán hưởng lợi
Thị trường chứng khoán vẫn đang được thúc đẩy bởi dòng vốn nội, đặc biệt khi hoạt động kinh doanh tiếp tục đình trệ bởi Covid. Vòng quay tiền chưa có dấu hiệu nhích tăng sẽ khiến dòng tiền chững lại ở các kênh đầu cơ...
Trong báo cáo nhận định kinh tế vĩ mô tháng 5, chứng khoán Agriseco đánh giá triển vọng tích cực cho cổ phiếu nhiều nhóm ngành.
Cụ thể, thị trường đang tiếp tục được thúc đẩy bởi dòng vốn nội, đặc biệt khi hoạt động kinh doanh tiếp tục bị đình trệ bởi Covid. Vòng quay tiền chưa có dấu hiệu nhích tăng sẽ khiến dòng tiền chững lại ở các kênh đầu cơ, tạo cơ hội cho cổ phiếu các nhóm ngành Chứng khoán, Ngân hàng, Dầu khí, Bất động sản tiếp tục tăng giá trong giai đoạn tới.
Xu hướng nhập siêu đang dần trở nên rõ ràng khi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới tiếp tục tăng mạnh trong khi xuất khẩu chưa được hưởng lợi nhiều. Dự báo các tháng tiếp theo nhập siêu sẽ tiếp tục diễn ra tập trung vào các mặt hàng: linh kiện điện tử, sắt thép, vải, chất dẻo, hóa chất, ô tô. Dù vậy, một số ngành xuất khẩu vẫn có thể hưởng lợi nhờ cầu thị trường quốc tế hồi phục như: cao su, dệt may và linh kiện – phụ tùng điện tử.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ và tăng hơn 40% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2020. Vốn đầu tư công giải ngân đang được đẩy mạnh và Quý 2 sẽ tăng mạnh so với Quý 1. Nguồn vốn giải ngân đang tập trung ở khối giao thông vận tải khi quy hoạch hạ tầng cấp vùng được khai thông pháp lý, là tín hiệu tích cực cho khối ngành hưởng lợi từ đầu tư công trong trung hạn như xây dựng, cầu đường, bất động sản.
“Nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi và hút tiền trong thời gian tới”, báo cáo nhận mạnh.
Lạm phát đang nhích dần lên và sẽ tăng hơn vào nửa cuối năm, kênh chứng khoán vẫn có cơ hội ở các nhóm ngành chống lạm phát: ngân hàng – bảo hiểm, năng lượng, thép – hóa chất, đồ dùng thiết yếu.
Ở chiều ngược lại, dịch Covid-19 tại một số địa phương đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới bán lẻ - tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tiêu dùng tháng 5 giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ 2020. Kỳ vọng về nhóm ngành này sẽ bị hạ xuống trong ngắn hạn.
Đối với du lịch, khách quốc tế tháng 5 ước đạt 13,4 nghìn lượt khách, tiếp tục giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ 2020.Các biện pháp giãn cách phòng chống Covid gần đây là nguyên nhân khiến lượng khách tiếp tục giảm. Du lịch vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực và khó phục hồi.
Đánh giá về các chỉ số vĩ mô, theo Agriseco, CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020 Lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng trước.
CPI tăng được đóng góp chính từ các nhóm ngành vật liệu xây dựng (thép, sắt, sơn) cùng nhóm điện thoại, linh kiện và nhóm xăng dầu. Nhu cầu thị trường sau hồi phục đang bước vào giai đoạn tăng mạnh. Dự báo trong ngắn hạn giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng theo đà thế giới tuy nhiên về trung hạn sẽ có sự điều tiết ổn định trở lại.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Covid-19 mới diễn ra tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã sớm được khoanh vùng khiến IIP không bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên sự bùng phát mới tại các tỉnh miền Nam gần đây có thể khiến chỉ số này trong tháng tới sụt giảm.
Chỉ số PMI Chỉ số PMI tháng 5 (theo HIS Markit) đạt 53,1 điểm, giảm so với mức 54,7 điểm của tháng 4. Đợt bùng dịch Covid gần đây đã khiến tốc độ tăng số lượng đơn hàng chậm lại và một số Khu công nghiệp trọng điểm tại miền Bắc phải đóng cửa. Trong tháng tới chỉ số này dự báo đi ngang cho tác động Covid thẩm thấu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận