menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

COVID-19 và 2 mặt của doanh nghiệp ngành dược

Được kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh dịchCOVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu dược phẩm và các sản phẩm y tế gia tăng đột biến, tuy nhiên không phải doanh nghiệp dược nội địa nào cũng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2020...

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có ngành dược mới nổi, theo phân loại của Tổ chức IQVIA Institute, điều này đồng nghĩa với việc tiềm năng tăng trưởng của ngành dược Việt Nam đang được đánh giá rất cao.

Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 50 USD/người/năm vào năm 2020 với mức tăng trưởng 14%/năm. Như vậy có thể thấy, tiềm năng của thị trường dược tại Việt Nam là rất lớn, song sự cạnh tranh giữa các tên tuổi cũng ngày càng khốc liệt hơn.

Được kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu dược phẩm và các sản phẩm y tế gia tăng đột biến, tuy nhiên không phải doanh nghiệp dược nào cũng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2020...

Người mạnh dạn

Mới đây, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) đã công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần 1.750 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trước khi trích quỹ phát triển khoa học công nghệ 260 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 28% so với mức thực hiện năm 2019 và tăng lần lượt 21% và 18% so với chỉ tiêu kế hoạch năm trước.

Tương tự, CTCP Dược phẩm Bến Tre (HNX: DBT) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020. Cụ thể, DBT đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 912 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 31,3 tỷ đồng, các chỉ tiêu này lần lượt tăng 15% và 22% so với năm 2019.

Một tên tuổi lớn khác là CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cũng đề ra kế hoạch tham vọng trong năm 2020 dù kết quả thực hiện năm 2019 không quá tích cực.

Theo đó, TRA đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế là 180 tỷ đồng, tăng 52,5%. Trước đó trong năm 2019, doanh thu hợp nhất của TRA đạt 1.716 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2018, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 170 tỷ đồng, giảm 2%.

Kẻ dặt dè

Trong bối cảnh được đánh giá là thuận lợi, bên cạnh những doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu đi lùi hoặc đi ngang.

Mới đây, CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) đã công bố kế hoạch kinh doanh 2020 với mục tiêu doanh thu thuần 3.866 tỷ đồng và lãi trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và tăng 1% so với mức thực hiện năm 2019.

Trong năm 2019, DHG ghi nhận 3.896 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3% so với năm trước; lãi ròng đạt 631 tỷ đồng. Với các kết quả này, Công ty đạt 99% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tương tự, CTCP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2020 với chỉ tiêu doanh thu 2.007 tỷ đồng (giảm so với 2.042 tỷ đồng năm 2019), lợi nhuận trước thuế 112 tỷ đồng, tương đương năm trước.

Một đại diện khác là CTCP Dược Lâm Ðồng (HNX: LDP) cũng chỉ đặt mục tiêu thu về 9 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 24% so với kết quả thực hiện năm 2019. Song mục tiêu doanh của Công ty lại tăng trưởng 9%, tương ứng 413 tỷ đồng.

Được biết năm 2019, LDP báo lãi trước thuế gần 12 tỷ đồng, tăng đến 138% so với kế hoạch, chủ yếu nhờ lợi nhuận khác (từ việc thanh lý các tài sản không mang lại hiệu quả sử dụng); doanh thu thuần chỉ đạt hơn 379 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch.

Khi COVID-19 chặn nguồn cung nguyên liệu

COVID-19 và 2 mặt của doanh nghiệp ngành dược

Có thể thấy, tác động đa diện của dịch COVID-19 đang đặt các doanh nghiệp dược nội địa trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất khi nguồn cung phụ thuộc chủ yếu từ nhập khẩu bị gián đoạn, gây ảnh hưởng dài hạn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (HOSE: DMC), công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí làm ngưng trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh tại một số sản phẩm phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu do các sản phẩm chính có nguồn gốc từ nguyên liệu Trung Quốc.

Nếu nhìn vào ngắn hạn, mức độ tác động đến mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhưng nếu dịch bệnh chưa sớm được ngăn chặn thì chuỗi cung ứng nguyên liệu từ các thị trường nhập khẩu chính sẽ bị đứt gãy trong thời gian dài, ảnh hưởng tới kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp.

Ðể giải bài toán nguyên liệu trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, bà Ðào Thúy Hà, Giám đốc Marketing CTCP Traphaco cho rằng, để không bị động trước những cú sốc, doanh nghiệp cần có sự nhạy cảm trước các diễn biến xấu từ thị trường để có thể chủ động dự phòng nguồn nguyên liệu sản xuất.

Với Traphaco, bà Hà cho biết, công ty đã theo dõi sát diễn biến thị trường từ trước Tết Nguyên đán, khi có dấu hiệu khó khăn trong nguồn cung ứng, doanh nghiệp chủ động tăng nguồn nguyên liệu dự trữ trong thời gian đủ dài để đảm bảo duy trì sản xuất.

Giới phân tích nhìn nhận, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là bài toán khó giải trong dài hạn đối với các doanh nghiệp dược Việt Nam cho dù triển vọng tăng trưởng của ngành được đánh giá cao, với mức tăng trưởng 10% trong năm 2020 và có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Thực tế, rủi ro từ việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nói chung và từ Trung Quốc nói riêng đã được cảnh báo lâu nay và dịch COVID-19 một lần nữa khiến các doanh nghiệp dược trong nước lộ rõ hơn điểm yếu này.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, với tỷ lệ rất lớn trong tổng nhu cầu của nguyên phụ dược liệu nhập khẩu, ước lên tới 80 - 90%, đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho ngành dược Việt Nam trong dài hạn và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong điều kiện hiện tại của các doan nghiệp dược nội địa, theo SSI, giải pháp nhập khẩu nguồn dược liệu vẫn là giải pháp khả thi cả về mặt kinh tế và trình độ công nghệ.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, điều này đặt ra không ít rủi ro, bởi việc nhập khẩu không chỉ hạn chế sự tăng trưởng của ngành, mà đáng ngại hơn là tình trạng tăng giá nguyên phụ liệu, cũng như áp lực tỷ giá khi nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài bị gián đoạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

13.65

+0.85 (+6.64%)

Biểu đồ mã DBT

117.80

-2.70 (-2.24%)

Biểu đồ mã DHG
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả