24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bình Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Covid-19 có thể khiến ngân hàng chậm lên sàn?

Một chuyên gia tài chính nhìn nhận: Không chỉ thực hiện quy định, mà bản thân các nhà băng nhận thức được việc nếu cổ phiếu sớm được niêm yết sẽ có lợi cho ngân hàng rất nhiều.

Theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, tất cả các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chậm nhất vào năm 2020. Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng đã được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018. Một trong những mục tiêu đề ra tại Chiến lược này là đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTMCP trên sàn chứng khoán. Quy định này khiến cho nhiều ngân hàng sẽ phải thúc đẩy kế hoạch niêm yết trong năm nay.

Theo dõi trên thị trường, VietBank là ngân hàng duy nhất đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM trong năm 2019. Cuối năm 2019, HoSE thông báo việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của MSB, theo đó dự kiến sẽ có 1.175 tỷ cổ phiếu của nhà băng này được niêm yết trên HoSE - tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. MSB có kế hoạch lên sàn từ năm 2016, song do thị trường diễn biến không thuạn lợi nên ngân hàng đã lùi tới quý I/2019, quý III/2019 và đến cuối tháng 11/2019 mới thông báo nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu. OCB cũng đã lên kế hoạch niêm yết, theo dự kiến có thể vào giai đoạn cuối quý III hoặc sang quý IV/2020, dù trước đó nhà băng này dự định sẽ lên sàn trong năm 2019.

VietCapital Bank cũng đã hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. ABBank thông tin sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại VSD và nộp hồ sơ niêm yết cho HoSE sau khi chi trả cổ tức năm 2017. Tuy nhiên, dù việc chia cổ tức đã hoàn thành nhưng việc niêm yết vẫn còn đang được bỏ ngỏ. Nhiều nhà băng khác như Nam A Bank, SeABank... thông tin về niêm yết vẫn chưa thấy sự rõ ràng.

Trao đổi với một chuyên gia tài chính, ông này nhìn nhận: Không chỉ thực hiện quy định, mà bản thân các nhà băng nhận thức được việc nếu cổ phiếu sớm được niêm yết sẽ có lợi cho ngân hàng rất nhiều. Đơn cử, nguồn vốn nào cũng có giới hạn, nếu nhà băng nào nắm lấy cơ hội chào sàn sớm thì cổ phiếu theo đó sẽ càng có cơ hội tăng giá khi vốn còn dồi dào.

Song chuyên gia này chia sẻ thêm, đã bước sang tháng cuối của quý I/2020 nhưng vẫn chưa có ngân hàng nào niêm yết chính thức trên sàn theo quy định, khả năng để các nhà băng có thể thực hiện trong quý đầu năm 2020 đang dần hẹp lại, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đều đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc quyết định có đưa cổ phiếu niêm yết hay không phải thông qua Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), tuy nhiên trước diễn biến tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay, rất có thể ĐHĐCĐ của nhiều ngân hàng sẽ muộn hơn dự kiến.

Theo TS. Bùi Quang Tín – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Việt Nam là nền kinh tế đang có độ mở tương đối lớn nên việc chịu tác động từ thị trường chứng khoán toàn cầu là dễ thấy. Từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường chứng khoán càng khó nắm bắt và thiếu sự ổn định. Ở phiên cuối tuần qua, thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu, châu Á đều quay lại xu hướng lao dốc khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước ngoài Trung Quốc.

Việc nhà băng lên sàn liên quan tới nhiều yếu tố. Ở địa vị một ngân hàng, giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào lợi nhuận của ngân hàng, lợi nhuận thấp thì tất yếu giá cổ phiếu sẽ tỷ lệ thuận theo. Ngân hàng sẽ phải tính toán thời điểm để cổ phiếu của mình có giá bán cao. “Nếu cổ phiếu chỉ dao động cỡ 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu thì không ai hào hứng cả. Thêm nữa, một số nhà băng cũng gặp áp lực công khai báo cáo tài chính. Khi lên sàn, đương nhiên báo cáo tài chính phải chuẩn mực, phải có kiểm toán độc lập, nên những ẩn số về nợ xấu, trích lập dự phòng, lợi nhuận... cũng phần nào cản trở việc niêm yết”, chuyên gia nhìn nhận.

Ngân hàng niêm yết đều mong muốn hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn, nhất là nhà đầu tư ngoại. Và cũng có những ngân hàng “chờ” có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, sau đó mới niêm yết. Như trường hợp của OCB, đầu năm 2020, ngân hàng lấy ý kiến cổ đông để phát hành riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phần (11% vốn điều lệ) cho Ngân hàng Aozora. Nếu phát hành thành công, ngân hàng có trụ sở tại Nhật Bản này sẽ nắm gần 10% vốn điều lệ OCB. Việc hoàn tất thương vụ Aozora của Nhật Bản mua 10% cổ phần của OCB có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một yếu tố được chuyên gia đề cập cũng liên quan tới việc ngân hàng chậm niêm yết, đó là việc chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tăng vốn của nhà băng.

Ở khía cạnh khác, giới chuyên gia khuyến nghị, với một cổ phiếu lên nhanh thì luôn phải lường trước những rủi ro về vấn đề tăng ảo, tăng không thực chất. Bởi đối với thị trường 2 là thị trường mua đi bán lại, rất dễ xảy ra hiện tượng làm giá, đầu cơ khiến giá trị bị đội lên tương đối lớn. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự phân tích, tính toán cẩn trọng, nếu chỉ hùa theo thị trường thì rất dễ gánh rủi ro.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả