Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ offline
BIDV, MSB, VIB, ACB, PG Bank, Masan, Cao su Phước Hòa đều đã thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội cổ đông thường niên 2021.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 năm qua đã khiến mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 diễn ra với nhiều xáo trộn về thời gian và cách thức tổ chức. Thay vì tháng 3-4 như thường niên, nhiều doanh nghiệp đã phải lùi thời hạn đến cuối tháng 6 và phần lớn trong số đó phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác nhờ tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt. Mới bước vào đầu mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiều doanh nghiệp đã đánh tiếng sẽ tổ chức theo hình thức offline để nhà đầu tư có thể tham dự một cách bình thường.
Như thường lệ, các ngân hàng vẫn giữ thói quen tổ chức sớm kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên. Năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã BID) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/2/2021 tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (Hà Nội). Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự cuộc họp là 29/1/2021.
Về nội dung, ĐHĐCĐ sẽ biểu quyết thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020; thông qua báo cáo hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát và và định hướng hoạt động năm 2021. Đồng thời, Đại hội cũng dự kiến thông qua báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020, phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm trước trong đó lãi trước thuế riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%. Trong năm, BIDV đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12% - 14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.
Ngày 22/2 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã MSB) đã chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 24/3/2021 tại 54A Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.
Năm 2020, MSB báo lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.523 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2019. Lãi ròng của ngân hàng đạt 2.011 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 24,8% đạt 79.340 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 8,2% đạt 87.510 tỷ đồng. Nợ xấu cuối năm 2020 của nhà băng này ở mức 1.557 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,96%.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã PGB) cũng đã thông báo ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 9/3/2021 tại Hà Nội. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 7/1/20021.
Ngày 5/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/4/2021 tại khách sạn Sheraton, 88 Đồng khởi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ACB đạt gần 9.600 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng đến 31/12/2020 tăng 15,9% với 311.479 tỷ đồng trong khi số dư nợ xấu nội bảng tăng 27% lên mức 1.840 tỷ đồng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,54% lên 0,59%.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã có thông báo về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 trong đó đáng chú ý có thể kể đến CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN).
Tập đoàn này sẽ chốt dánh sách cổ đông tham dự vào ngày 1/3 tới đây, thời gian tổ chức dự kiến trong tháng 4/2021 dự kiến tại Hà Nội, hoặc TP. Hồ Chí Minh, hoặc một tỉnh, thành phố khác. Địa điểm tổ chức và tài liệu họp sẽ được thông báo cụ thể sau.
Năm 2020, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm trước. Tương ứng, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty đạt 1.234 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu năm qua được thúc đẩy bởi mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife, MML) và hàng tiêu dùng có thương hiệu (MCH) và đóng góp từ việc hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.
Năm 2020, Cao su Phước Hòa đạt 1.631 tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 130% so với cùng kỳ, lên 1.124 tỷ đồng chủ yếu nhờ tăng khoản thu nhập khác từ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện dự án (860 tỷ đồng).
Về kế hoạch năm 2021, Cao su Phước Hòa được giao sản lượng cao su khai thác 9.600 tấn, sản lượng thu mua 12.000 tấn và sản lượng chế biến 21.600 tấn. Chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ được giao 33.999 tấn với giá bán bình quân ước tính 34,08 triệu đồng/tấn. Mục tiêu tổng doanh thu công ty mẹ tương ứng dự kiến 1.921 tỷ đồng và lãi trước thuế 751 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 40%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận