Công viên nước Đầm Sen qua giai đoạn khó khăn nhất
Việc mở cửa trở lại từ đầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của CTCP Công viên nước Đầm Sen phục hồi sau năm 2021 đầy khó khăn với gần 7 tháng đóng cửa.
Lãi bán chứng khoán kéo lại lợi nhuận
Năm 2021 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của CTCP Công viên nước Đầm Sen. Khi chuẩn bị bước vào đợt cao điểm kinh doanh mùa hè thì đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư đã khiến Công viên phải đóng cửa từ ngày 4/5/2021 và kéo dài đến hết năm. Việc dừng hoạt động khiến doanh thu của Công ty trong nửa cuối năm không đáng kể, trong khi vẫn phải chi cho bảo trì, bảo dưỡng, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, lương cho người lao động.
Báo cáo tài chính của Công viên nước Đầm Sen cho thấy, doanh thu quý IV/2021 chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, lỗ gộp 6,7 tỷ đồng. Trước đó, trong quý III/2021, doanh thu thuần của Công ty chỉ vỏn vẹn 420 triệu đồng, lỗ 4,1 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty chỉ đạt 25,2 tỷ đồng, chưa bằng 2 tháng doanh thu bình quân trong giai đoạn 2018-2019, trước khi dịch bệnh xuất hiện (18 tỷ đồng/tháng). Lợi nhuận gộp thu về lỗ 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau các chi phí bán hàng, chi phí quản lý (chưa bao gồm hoạt động tài chính) lỗ 12,46 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, hoạt động tài chính đã giúp Công ty thoát cảnh thua lỗ, khi thu về 40,87 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp 3,07 lần kết quả của năm 2020. Trong bối cảnh nguồn thu nhập từ lãi tiền gửi giảm, phần lãi từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cụ thể là khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Việt Á (mã VAB) đã giúp doanh thu tài chính tăng trưởng cũng như giúp lợi nhuận sau thuế cả năm của Công ty đạt 24,2 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả thấp nhất mà Công viên nước Đầm Sen ghi nhận kể từ năm 2010 đến nay.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua
Quản lý và vận hành 2 công viên là công viên nước và công viên khủng long tại TP.HCM, CTCP Công viên nước Đầm Sen là doanh nghiệp thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19.
Bước sang năm 2022, triển vọng kinh doanh của Công ty được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, giúp phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại các đường bay nội địa và quốc tế. Công viên đã mở cửa trở lại từ ngày 1/1/2022, kết thúc giai đoạn đóng cửa kéo dài gần 7 tháng.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, đại diện Ban lãnh đạo Công ty cho biết, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thì khả năng trong quý II/2022 sẽ bùng nổ các chương trình kích cầu du lịch và vui chơi giải trí trong nước khi người dân chưa có điều kiện du lịch nước ngoài.
Tuy vậy, với đặc thù hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và chính sách kiểm soát dịch bệnh của cơ quan quản lý nhà nước, nên diễn biến phức tạp của Covid-19 vẫn tiềm ẩn rủi ro với hoạt động của Công ty. Bên cạnh đó, tâm lý khách hàng còn e ngại đến nơi tập trung đông người, khiến hiệu quả kinh doanh chưa cao khi tái mở cửa. “Các khu dịch vụ vui chơi giải trí phải mất vài năm mới phục hồi lại được như thời gian trước đây”, ông Vũ Ngọc Tuấn đánh giá.
Một rủi ro khác mà Công viên nước Đầm Sen đang phải đối mặt là hợp đồng thuê đất đã hết hạn từ tháng 7/2018, nhưng đến nay chưa có hướng xử lý cụ thể của cơ quan quản lý. Dù chưa có quyết định thu hồi đất, Công ty vẫn tiếp tục sử dụng và đóng tiền thuê hằng năm, nhưng nhiều chính sách ưu đãi không còn được hưởng và việc chỉnh trang, nâng cấp Công viên cũng không thể triển khai.
Những khó khăn đó cũng là nguyên nhân khiến Hội đồng Quản trị Công ty đã dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh khá thận trọng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức vào ngày 28/1/2022, với doanh thu dự kiến ở mức 100 tỷ đồng.
Về dài hạn, sau hơn 20 năm hoạt động, nhiều hạng mục trò chơi trong Công viên đã xuống cấp, nên Công ty cần thay đổi, nâng cấp, đồng thời cập nhật các xu hướng mới để gia tăng sức hút du khách, đặc biệt trong bối cảnh các trung tâm thương mại lớn với các khu trò chơi mới lạ xuất hiện ngày càng nhiều và thu hút khách tham quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận