Công ty làm suất ăn hàng không lỗ theo hãng bay
Trong báo cáo tài chính quý II, Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài ghi nhận khoản lỗ quý lớn thứ hai từ khi doanh nghiệp này lên sàn.
Ăn theo hãng bay
Theo báo cáo trong quý II vừa qua, Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) ghi nhận doanh thu thuần ở mức 32,1 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp lại ở mức cao, tăng 16% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng suất ăn hàng không này lỗ gộp gần 16 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, NCS còn phải chịu hơn 6 tỉ đồng từ chi phí vay, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên gần 3.5 tỉ đồng. Tổng trong quý II, NCS lỗ hơn 24 tỉ đồng, cao hơn cả mức lỗ 19 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái và là quý lỗ nặng thứ hai kể từ doanh nghiệp này lên sàn (chỉ sau quý III/2020). Kết quả này khiến lỗ lũy kế của NCS tăng lên 70 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NCS lỗ ròng 44 tỉ đồng. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp NCS ghi nhận lỗ.
Có thể thấy, lĩnh vực suất ăn hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề theo lĩnh vực hàng không. Chính vì thế, nhằm giảm bớt khó khăn cũng như giảm phụ thuộc, NCS đã đẩy mạnh phát triển các kênh bán, đối tượng khách hàng mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào các hãng bay như trước đây. Cho năm 2021, NCS đạt mục tiêu doanh thu mảng phi hàng không tăng lên, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu.
Hiện doanh thu mới của doanh nghiệp đến từ việc NCS tự bán hàng onlinhe trên trang web "Bếp hàng không" của mình với những sản phẩm như giò xào, cơm chiên, xôi gà, mỳ Ý..., đồng thời cũng ra mắt sản phẩm "trà sữa hàng không" mang tên Lotus.
Năm 2021, NCS đặt mục tiêu sản lượng hơn 5 triệu suất ăn hàng không, doanh thu hơn 211 tỉ đồng nhưng dự kiến lỗ trước thuế 79 tỉ đồng do chi phí cao. Doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện rõ rệt từ năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và ngành hàng không phụ hồi trở lại.
Nhiều hãng hàng không đa dạng và thay đổi để tăng doanh thu mùa dịch
Theo chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên, nửa đầu năm 2021 công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỉ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỉ đồng. Trước nhiều khó khăn, hãng hàng không Vietnam Airlines đang tìm cách vực dậy doanh thu vào cuối năm.
Trong tháng 6, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) của Vietnam Airline đã vượt cả doanh thu chở khách. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines cũng từng tính đến việc lập hãng bay chuyên chở hàng hóa Vietnam Airlines Cargo từ lâu.
"Tuy nhiên, thực tế 5 năm gần đây cho thấy hãng bay chở hàng cần đảm bảo về quy mô để khai thác được tất cả nguồn hàng như Korean Air, China Airlines phải có mạng đường bay, đội bay chở hàng đủ lớn. Nên khi đó chúng tôi đánh giá việc lập hãng bay vận tải hàng hóa chưa mang liệu hiệu quả", ông Hà lý giải.
Báo cáo tại đại hội cổ đông củaVietjet Air cuốt tháng 6 vừa qua, hãng này cũng xây dựng lại kế hoạch kinh doanh thận trọng năm 2021 với doanh thu vận tải hàng không đạt 15.500 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 21.900 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Kế hoạch dựa trên việc thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu vận tải hàng hóa, mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không mới, dịch vụ đào tạo nhân lực, dịch vụ sửa chữa kỹ thuật tàu bay, đầu tư dự án và tài chính bên cạnh vận tải hàng không, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi.
Vietjet tiếp tục chiến lược xác định khách hàng là trọng tâm, nỗ lực đổi mới, sáng tạo; ứng dụng công nghệ vào tất cả các dịch vụ và công tác vận hành, tăng tốc hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ khách hàng. Hãng cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị cho học viện Hàng không Vietjet; đầu tư công viên công nghệ, đón nhận các hoạt động, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hàng không… đưa Vietjet vào nhóm những hãng hàng không hàng đầu thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận