Công ty cổ phần Thaiholdings: Công ty “rỗng” và câu chuyện mô hình mẹ - con
Việc Công ty cổ phần Thaiholdings dự kiến chi phần lớn nguồn lực tài chính sau khi tăng vốn để mua cổ phần Công ty cổ phần Thaigroup có thể biến Thaiholdings trở thành công ty “rỗng”.
Phập phù tài chính và kinh doanh
Thaiholdings (mã THD, sàn HNX) được thành lập từ năm 2011 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Kinh Thành. Quá trình góp vốn và thực tế kinh doanh của Thaiholdings thể hiện những diễn biến phức tạp. Theo đó, thời gian các cổ đông góp đủ vốn theo đăng ký vốn điều lệ kéo dài tới 8 năm. Ngành nghề hoạt động chính trong đăng ký kinh doanh tuy là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, nhưng hoạt động từ khi góp đủ vốn và phần lớn số tiền có được là để mua công ty khác.
Cụ thể, tại thời điểm mới thành lập, Thaiholdings cho biết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhu cầu vốn chưa cao, nên các cổ đông cũng không thực hiện góp đủ vốn ngay từ đầu. Vốn điều lệ thực góp tại thời điểm đăng ký kinh doanh là gần 137 tỷ đồng. Số tiền thực góp chỉ bằng khoảng 1/3 so với vốn điều lệ đăng ký của Công ty là 389 tỷ đồng.
Cách đây hơn 1 năm, số tiền còn lại chưa góp đủ (hơn 252 tỷ đồng) mới được các cổ đông của Thaiholdings góp vào tháng 4/2019. Như vậy, việc góp vốn thành lập Công ty được thực hiện từ năm 2011 đến tháng 4/2019 mới hoàn tất. Sau khi góp đủ vốn, Thaiholdings thực hiện tăng vốn điều lệ lên 539 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Sau đó, Thaiholdings đã tiến hành mua cổ phần của Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội và Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên. Cụ thể, Công ty mua 14,2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội, với giá 20.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị đầu tư 284 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty sở hữu 19,52% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội.
Trong thương vụ còn lại, Thaiholdings mua 1.196.600 cổ phần của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, giá mua 305.100 đồng/cổ phần, tổng giá trị đầu tư hơn 365 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty sở hữu 17,2% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên.
Tổng số tiền mà Thaiholdings đầu tư vào 2 công ty trên đã lên tới 649 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ hiện tại theo đăng ký. Tại báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, Thaihodings có vốn điều lệ 539 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 604,2 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Công ty là 850,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản có giá trị lớn nhất là đầu tư tài chính dài hạn với 637,5 tỷ đồng. Một nhóm tài sản có vẻ có giá trị cao là các khoản phải thu ngắn hạn 169 tỷ đồng, nhưng phần lớn là phải thu liên quan đến một đối tác là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Sunrise. Các tài sản cơ bản khác hầu như không đánh kể: tài sản cố định là 3,6 tỷ đồng, hàng tồn kho không có…
Đến cuối quý II/2020, Công ty bắt đầu có “tí chút” hàng tồn kho trị giá gần 3,6 tỷ đồng, tài sản cố định “teo” bớt còn hơn 3,3 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức 637,5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Thaiholdings gần đây cho thấy sự trồi sụt khá thất thường. Quý I/2020 - trước thời điểm Công ty niêm yết - doanh nghiệp có một quý thăng hoa ấn tượng khi đạt lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2020, Thaiholdings cũng có sự tăng vọt vượt bậc về doanh thu, với giá trị doanh thu thuần đạt tới 162,4 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, “gió đổi chiều” nhanh chóng kể từ quý II/2020 khi lợi nhuận sau thuế của Công ty rơi xuống mức 4 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 1/5 so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là lợi nhuận quý II/2020 bị sụt giảm trong bối cảnh doanh thu của Công ty vẫn tăng rất mạnh, đạt 306,3 tỷ đồng, tăng tới 56,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phập phù trong kinh doanh của Thaiholdings không phải là câu chuyện chỉ của năm 2020, mà cũng diễn ra trong năm 2019. Theo đó, lợi nhuận của Công ty trong quý I/2019 là 2,1 tỷ đồng, nhưng bỗng tăng tốc đột biến lên 18,2 tỷ đồng vào quý II/2019.
Thaiholdings sẽ chỉ là “công ty rỗng”?
Khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn Hà Nội vào tháng 6/2020, Thaiholdings đã lộ rõ tham vọng với kế hoạch tăng vốn khủng, cùng những phát biểu giàu hoài bão của lãnh đạo doanh nghiệp tại buổi lễ niêm yết. Ông Nguyễn Chí Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty khi đó cho biết mong muốn phát triển Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu không chỉ riêng tại Việt Nam, mà còn ở khu vực châu Á.
Động thái rõ nhất thể hiện tham vọng lớn của Thaiholdings là kế hoạch mở rộng quy mô thần tốc với vốn điều lệ cao hơn gấp nhiều lần so với hiện tại chỉ trong vòng vài tháng tới. Theo kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 thông qua, dự kiến mức vốn điều lệ năm 2020 của Công ty sẽ tăng lên 3.500 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn, Thaiholdings tiếp tục đổ toàn bộ số tiền thu được vào hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm mua cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Theo kế hoạch của Hội đồng Quản trị đưa ra hồi cuối tháng 6/2020, số tiền mà công ty này muốn đầu tư mua cổ phiếu riêng Thaigroup đã lên tới 3.300 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu dự kiến là 165 triệu cổ phần, tương đương 66% vốn điều lệ của Thaigroup. Giá mua dự kiến không quá 20.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng. Đơn vị chuyển nhượng là các cổ đông của Thaigroup.
Theo kế hoạch đã được Hội đồng Quản trị Thaiholdings thông qua về việc mua cổ phần của Thaigroup, có thể thấy, tới đây, khi Thaiholdings hoàn tất khoản đầu tư tài chính này, Thaigoup sẽ có vai trò gần như chi phối đối với Thaiholdings, bởi đây là công ty con duy nhất. Các công ty mà Thaiholdings đã đầu tư trước đây như Tôn Đản Hà Nội và Du lịch Kim Liên chỉ là khoản đầu tư “lẻ tẻ” do vốn đầu tư tại Tôn Đản Hà Nội chỉ là 19,52%, còn tại Du lịch Kim Liên là 17,2%.
Thaiholdings đang hình thành mô hình công ty mẹ - con, nhưng chỉ có một công ty con và công ty con này gần như ảnh hưởng tuyệt đối đối với công ty mẹ.
Trong khi đó, tỷ lệ vốn dự kiến mà Thaiholdings nắm giữ tại Thaigroup là 66%, quy mô vốn cũng là gần như toàn bộ nguồn lực tài chính mà Thaiholdings có được sau khi doanh nghiệp tăng vốn. Điều này cho thấy, tất cả sự thịnh suy của Thaiholdings gần như nằm hoàn toàn trong tay Thaigroup, hay nói cách khác Thaigroup tuy là công ty con, nhưng lại là chủ thể trọng yếu quyết định gần như toàn bộ vận mệnh của Thaiholdings.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây về những “hiện tượng” kiểu như Thaiholdings, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, thông thường khi tư vấn cho khách hàng, FPTS khuyên nhà đầu tư không nên đầu tư vào những doanh nghiệp không bình thường.
Ông Tùng cho biết, các doanh nghiệp có thể tự quyết định cách quản trị và vận hành doanh nghiệp của họ, nhưng dưới góc nhìn đầu tư, nhà đầu tư có thể phải quan sát ở các góc độ khác nhau. Nếu nhìn ở góc độ tự chủ của doanh nghiệp trong một nhóm cổ đông lớn chi phối công ty, thì họ điều khiển doanh nghiệp theo kiểu nào là việc của họ, miễn là không phạm pháp. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ có nên “xông” vào những doanh nghiệp “khác thường” hay không, thì lại là chuyện khác.
Thực tế cũng có những nhà đầu tư đầu tư theo xu hướng lướt sóng vẫn thích đầu tư vào những cổ phiếu “nóng”. Họ thấy giá cổ phiếu vẫn đang tăng thì cứ nhắm mắt mua vào mọi giá để hy vọng sau khi mua xong, giá sẽ tăng nữa, chứ không quan tâm doanh nghiệp làm ăn như thế nào. Nhưng họ sẽ phải tự chịu luật chơi “đỏ đen” theo khẩu vị của họ.
Trở lại câu chuyện của Thaiholdings, phần lớn vốn đang nằm ở 2 công ty là Tông Đản Hà Nội và Du lịch Kim Liên. Theo kịch bản sẽ diễn ra, công ty này sẽ tăng vốn lên gấp khoảng 6,5 lần so với hiện nay chỉ trong năm 2020. Sau khi chi tới 3.300 tỷ đồng (số tiền lớn gấp hơn 6 lần vốn điều lệ hiện tại) mua Thaigoup, hoạt động chủ yếu của Thaiholdings sẽ nằm ở Thaigroup. Theo đó, Thaiholdings sẽ gần như trở thành một công ty “rỗng”, tài sản hầu như không có gì ngoài đầu tư tài chính.
Câu chuyện mô hình công ty mẹ - con
Mô hình mà Thaiholdings áp dụng được xây dựng trên mô hình công ty mẹ - con (hoặc mô hình tập đoàn). Thực tế, đây là mô hình công ty rất phổ biến, thường được sử dụng tại các tập đoàn lớn. Trong mô hình này, công ty mẹ sẽ không trực tiếp tham gia sản xuất - kinh doanh tại các công ty thành viên, mà chỉ đóng vai trò là cổ đông. Doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ sẽ tới từ việc hợp nhất các hoạt động kinh doanh của các đơn vị thành viên và cổ tức được trả từ các đơn vị thành viên.
Sàn chứng khoán hiện cũng có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình công ty mẹ - con này trong quản trị, như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (FIT), Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC)…
Tuy nhiên, điểm khác cơ bản nhất của các tập đoàn trên so với Thaiholdings là mô hình chung là một công ty mẹ và nhiều công ty con, theo đó mới hình thành mô hình tập đoàn. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt có tới 6 công ty con, REE có 16 công ty con, Tập đoàn F.I.T có 8 công ty con, Tập đoàn KIDO có 8 công ty con…
Các công ty con khi tách rời ra cũng không có công ty nào có sức ảnh hưởng quá lớn nếu so sánh với quy mô của cả tập đoàn. Một số tập đoàn niêm yết cả các công ty con, theo đó, nhà đầu tư có thể theo dõi tình hình tài chính của cả các công ty con, thay vì chỉ theo dõi được báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo hợp nhất (không có thông tin tách rời của từng công ty thành viên).
Trong khi đó, Thaiholdings đang hình thành mô hình công ty mẹ - con, nhưng chỉ có một công ty con và công ty con này gần như ảnh hưởng tuyệt đối đối với công ty mẹ. Ngoài ra, Thaihodings chỉ niêm yết công ty mẹ, trong khi công ty con tương lai là Thaigroup chưa niêm yết. Theo đó, Thaigroup sẽ không là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính (của riêng Thaigroup). Với đặc tính này, Thaigroup có thể sẽ luôn là ẩn số đối với nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận