24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB): Sức ép bủa vây

Áp lực nợ vay cộng với hoạt động kinh doanh khó khăn đang bủa vây Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB, sàn HOSE).

Gồng mình trả lãi

Từ doanh nghiệp thuần túy về sản xuất hàng thể thao thủ công với các sản phẩm về cầu lông, từ năm 2015, TTB bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực mới là đầu tư bất động sản, tập trung vào khu vực tỉnh lẻ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn…, qua đó giúp doanh thu của Công ty dần tăng lên, khi chiến lược mở rộng quy mô hoạt động được đưa ra cùng với thời điểm thị trường bất động sản phát triển nở rộ ở khu vực này. Theo đó, từ mức hơn 83 tỷ đồng năm 2014, doanh thu của TTB tăng lên gần 153 tỷ đồng năm 2015, rồi tới gần 301 tỷ đồng năm 2016 và đạt đỉnh ở mức hơn 518,8 tỷ đồng năm 2019, trước khi giảm nhẹ về gần 501 tỷ đồng năm 2020.

Tuy nhiên, trái với đà tăng trưởng đều đặn của doanh thu, lợi nhuận của TTB lại có diễn biến trồi sụt, nhất là trong giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, sau giai đoạn tăng đều từ 10,5 tỷ đồng đến hơn 30 tỷ đồng những năm 2014-2016, lợi nhuận của TTB bắt đầu “giật cục”, từ con số 37,5 tỷ đồng năm 2017 - mức cao nhất kể từ khi lấn sân sang bất động sản đến nay, giảm về 26,13 tỷ đồng năm 2018, rồi lại tăng lên 33 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi rơi mạnh về mức 11,54 tỷ đồng năm 2020 và điều đáng nói là năm này TTB đạt tới gần 501 tỷ đồng doanh thu, cao hơn đáng kể so với con số gần 358 tỷ đồng doanh thu năm ghi nhận lợi nhuận cao nhất 2017.

Kết thúc nửa đầu năm 2021, tình trạng “doanh thu cao, lợi nhuận hẻo” vẫn tiếp diễn, khi TTB đạt gần 397 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 660 triệu đồng.

Thị trường bất động sản tỉnh lẻ sụt giảm do nhà đầu tư thay đổi xu hướng đầu tư cùng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt với các đợt bùng phát dịch 3 và 4 trên quy mô rộng, bao gồm cả thị trường chính của TTB tại Bắc Giang, trong khi phí nguyên vật liệu tăng mạnh và áp lực trả nợ lớn do phụ thuộc nhiều vào vốn vay để tài trợ cho các dự án bất động sản là những nguyên nhân chính tác động tiêu cực tới lợi nhuận của doanh nghiệp này thời gian gần đây.

Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TTB): Sức ép bủa vây

Ghi nhận tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của TTB đạt hơn 1.444 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là gần 492 tỷ đồng, giảm 4%, nhưng hàng tồn kho tăng tới 79% lên mức gần 147 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị tài sản dở dang dài hạn của TTB đã tăng 25% so với đầu năm, lên gần 418 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là khoản mục xây dựng cơ bản dở dang giá trị 360 tỷ đồng.

Việc sản phẩm tiêu thụ chậm sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng điều tiết thanh toán nghĩa vụ tài chính trong năm nay, khi TTB không có dòng tiền bổ sung. Tính tới cuối tháng 6/2021, tổng nợ phải trả (chủ yếu là nợ ngắn hạn) của Công ty là hơn 897,6 tỷ đồng với vay và nợ thuê tài chính chiếm phân nửa, đạt 425,6 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với con số hơn 457,1 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý nhất là hơn 300 tỷ đồng huy động từ trái phiếu phát hành từ tháng 12/2018. Được biết, gói trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và tới cuối năm nay sẽ phải thực hiện tất toán nợ gốc với các trái chủ.

Triển vọng cả năm 2021 không khả quan

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 công bố cách đây không lâu, TTB đưa ra 2 kịch bản doanh thu và lợi nhuận cho năm 2021. Trong đó, kịch bản 1 là đạt 600 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng khoảng 20% về doanh thu nhưng giảm 13% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2020; còn kịch bản 2 là đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tới 60% về doanh thu và 160% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2020.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm 2021, lãnh đạo TTB nhận định, tình hình thị trường còn rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của các đợt bùng phát dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của TTB cũng như các đơn vị thành viên. Thực tế, từ số liệu về kết quả kinh doanh bán niên nêu trên cho thấy, cũng giống như các doanh nghiệp bất động sản khác vào thời điểm hiện tại, TTB đang chịu áp lực kinh doanh rất lớn, khi mà những thị trường trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh từng bị phong tỏa để chống dịch khiến thị trường địa ốc nơi đây bị đình trệ và đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện, cho dù dịch đã được kiểm soát.

Số liệu công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, một số thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Bộ như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên… hiện đã chững lại sau động thái mạnh tay của chính quyền các địa phương này nhằm kiểm soát tình trạng “sốt” đất nền diễn ra tràn lan trong 6 tháng qua, từ đó ảnh hưởng tới các phân khúc khác, trong đó có sản phẩm chung cư mà TTB đang theo đuổi tại các thị trường này.

Không những vậy, theo đánh giá của các thành viên thị trường, trong nửa cuối quý II/2021 và quý III/2021, tình hình tiếp tục trở nên khó khăn hơn khi đợt giãn cách xã hội tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận từ đầu tháng 5/2021 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của TTB. Với việc dịch bệnh đang ngày càng lan rộng ra các tỉnh, thành phố, buộc các địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách mạnh tay, nên triển vọng kinh doanh của TTB trong những tháng sắp tới sẽ không nhiều khả quan.

Được biết, theo Nghị quyết được Hội đồng quản trị TTB thông qua từ tháng 4/2021, TTB dự kiến phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung vốn hoạt động kinh doanh. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của TTB sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng và với 500 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, Công ty sẽ dành 300 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản 300 tỷ đồng và 200 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tăng tích cực từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019 - cũng là giai đoạn TTB bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên HOSE (tháng 8/2018), thị giá TTB bắt đầu lao dốc kể từ mức đỉnh hơn 23.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 về quanh mức 6.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại và một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm mạnh được chỉ ra là do sự thiếu ổn định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Việc thị giá cổ phiếu ở mức thấp được cho là rào cản khi TBB muốn huy động vốn từ việc phát hành cổ phần với giá cao.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1.80 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả