Công trình trên đèo Mã Pí Lèng: Sự thờ ơ với di sản?
Công trình nhà nghỉ, nhà hàng trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) - danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, được xây dựng không phép từ năm 2018 và đưa vào hoạt động đầu năm 2019. Khó nói chính quyền Hà Giang không nắm được thông tin khi một công trình bảy tầng nằm chễm chệ ở vị trí có tầm ngắm đẹp nhất hẻm vực Tu Sản được xây dựng và nườm nượp khách ra vào.
Nhưng chỉ đến khi được hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin, chính quyền huyện Mèo Vạc mới có những động thái xử lý đầu tiên. “Đây là dự án đầu tư đầu tiên của tư nhân trên đèo Mã Pí Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện những năm qua. Huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định”, lãnh đạo huyện nói(1).
Thời gian qua, nhiều dự án trong khu vực di sản đã suýt được thực hiện dưới sự “vô tư” kêu gọi đầu tư và buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương như cáp treo vào hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), lối đi trong núi Cái Hạ thuộc vùng lõi của danh thắng Tràng An (Ninh Bình)...
Thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách là việc phải làm của nhiều địa phương. Tận dụng được những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để đem lại tăng trưởng kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước lại càng là việc đáng khích lệ hơn. Tuy nhiên, trước khi đặt bút kêu gọi đầu tư, dường như chưa địa phương nào có một đánh giá đúng mức về những tác động của các dự án này (nếu đi vào thực hiện) lên hệ sinh thái, cũng như đời sống xã hội của người dân địa phương mình.
Trở lại dự án trên đèo Mã Pí Lèng, dù được xây dựng ở khu vực ngoài vùng lõi di sản, nhưng trước khi kêu gọi đầu tư, chính quyền địa phương cũng cần thẩm định xem liệu nó có tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên danh thắng Mã Pí Lèng không, nếu cấp phép cho dự án này thì những dự án tương tự có được phép đầu tư tại vực Tu Sản nữa hay không...
Công trình ở Hà Giang cũng bộc lộ những lỗ hổng của Luật Di sản văn hóa khi chỉ quy định vùng 1, vùng 2 để bảo vệ di sản mà không quy định về vùng đệm giữa khu vực được bảo vệ với khu vực phát triển đô thị. Dự án này cũng cho thấy sự thờ ơ của chính quyền địa phương với di sản khi chưa nhận diện được giá trị di sản cũng như xây dựng các quy định, quy chế để bảo tồn.
Có thể thấy, ngoài vai trò của các địa phương nơi có di sản thì sự giám sát của các cơ quan chức năng ở cấp trung ương chưa thật sự sát sao. Bởi trước mỗi dự án đầu tư có khả năng tác động đến môi trường văn hóa, kiến tạo thiên nhiên, ngoài đề án khả thi về kinh tế, cần tính đến một cơ chế xét duyệt ở cấp quốc gia nhằm phê duyệt các mục tiêu văn hóa, bảo đảm tính bền vững cho các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên này.
Trong cơn lốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa rất dễ bị tổn thương, thậm chí đứng trước nguy cơ bị phá hủy như một sự “đánh đổi” nhân danh phát triển kinh tế. Chúng ta không thể mong đợi sự bình tĩnh, cân nhắc thấu đáo của các nhà đầu tư đối với sự tác động lên di sản hay sự phát triển bền vững của địa phương bởi lợi nhuận là thứ họ quan tâm hàng đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận