Công nhân chất vấn ông Chu Ngọc Anh về chính sách hỗ trợ trong đại dịch
Công nhân đặt hàng loạt câu hỏi về chính sách hỗ trợ sau khi mắc Covid-19, thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội... với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Sáng 26/5, tại khu công nghiệp Thăng Long, 200 công nhân đại diện cho hàng trăm nghìn người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã đối thoại với Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh. Trong gần hai giờ, 22 công nhân đã hỏi, tập trung về việc chi trả chế độ cho người lao động là F0, công nhân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Anh Đỗ Văn Hảo hỏi về chính sách hỗ trợ tiền mặt cho viên chức, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ quỹ này thế nào? Tại sao có nơi đã được chi trả trong thời gian nghỉ dịch, có nơi đến nay chưa có?
Đỗ Văn Hảo nêu câu hỏi tại cuộc đối thoại sáng 26/5. Ảnh: Võ Hải
Dẫn chứng trường hợp cụ thể, anh Đỗ Danh Giáp nêu người lao động bị Covid-19 và cách ly tập trung, sau đó được Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cấp giấy ra viện, nhưng khi làm thủ tục thanh toán bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối với lý do việc ký giấy ra viện không đúng thẩm quyền.
Người lao động đi xin lại giấy thì Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân vẫn cấp giấy như cũ và khẳng định giấy ra viện đủ điều kiện thanh toán. Nhưng khi nộp hồ sơ ốm đau lần hai thì Bảo hiểm xã hội Hà Nội vẫn từ chối duyệt với cùng lý do như trên. Anh Giáp đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố giải thích rõ lý do.
Chị Phạm Thị Bích Hải phản ánh nhiều lao động không thể làm chế độ thanh toán bảo hiểm xã hội. Trạm y tế phường một số nơi khi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ghi ngày bắt đầu điều trị Covid không trùng với ngày khám; có trạm y tế khi cấp thì ký bằng dấu khắc sẵn (không ký tươi và đóng dấu đã khắc chữ ký); một số phường khác chưa cấp với lý do chờ văn bản hướng dẫn.
"Dịch Covid-19 khiến người lao động gặp khó khăn. Khi ốm đau mà đi xin giấy không được cấp hoặc khi được cấp lại không đúng quy định, phải chờ đợi lâu hoặc phải đi lại nhiều lần rất mệt mỏi, mất thời gian, tiền bạc", chị Hải nói.
Chị Phạm Thị Bích Hải phản ánh bất cập trong thủ tục thanh toán bảo hiểm với F0. Ảnh: Võ Hải
Ghi nhận những vướng mắc trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết đã có công văn gửi Sở Y tế đề nghị chấn chỉnh cơ sở y tế tuyệt đối không tự ý khắc dấu chữ ký của thủ trưởng đơn vị để đóng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.
Về việc chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho viên chức và người lao động trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội thông tin, hiện việc chi trả được thực hiện theo Quyết định số 28 ngày 1/10/2021 của Thủ tướng. Đến hết 31/12/2021, Hà Nội đã chi trả cho hơn 1,6 triệu người với số tiền trên 4.000 tỷ đồng. Người lao động cơ bản đã được giải quyết hồ sơ nhận trợ hỗ trợ. Những trường hợp chưa được hưởng do nộp hồ sơ chậm, cơ quan bảo hiểm thành phố đã báo cáo xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Về trường hợp anh Đỗ Danh Giáp nêu, ông Hòa thông tin, thẩm quyền cấp giấy ra viện là của bệnh viện, trung tâm y tế quận chỉ được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Hiện Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân để cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tiếp tục nêu ý kiến, anh Nguyễn Hoàng Long đặt vấn đề, có một số công nhân giấy tờ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội bị sai và Bảo hiểm xã hội trả lại cho người lao động. Nhưng khi người lao động đi xin lại giấy tờ ở y tế phường thì được trả lời đang chờ chỉ đạo của Sở Y tế và Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, khi người lao động điều trị Covid-19 tại nhà trên 7 ngày nhưng y tế phường chỉ cho giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội 7 ngày. Vậy những ngày còn lại người lao động phải chịu nghỉ không lương hay có chính sách khác?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại buổi đối thoại. Ảnh: Võ Hải
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu lãnh đạo Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế thành phố cung cấp đầu mối để người lao động phản ánh trực tiếp, sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc để công nhân được nhận các chế độ hỗ trợ theo quy định.
Ông Ngọc Anh cho rằng, trong bối cảnh hơn hai năm phòng chống dịch Covid-19, thành phố luôn coi an toàn sức khỏe của người dân, công nhân lao động là trên hết. Đến hôm nay, thành phố đã khôi phục sản xuất gần 100%, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nhân. Trong những tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã có những dấu mốc đặc biệt như tổ chức thành công SEA Games 31, kinh tế phục hồi, du lịch, văn hóa quảng bá mạnh mẽ, tỷ lệ cho vay vốn, tạo việc làm mới cho công nhân lao động cũng được tăng cao...
"Với những kết quả như vậy, tôi tin đóng góp của anh chị em công nhân, giới chủ doanh nghiệp thủ đô thời gian tới sẽ mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt những vướng mắc nêu lên sẽ cùng nhau được xem xét, tháo gỡ ", Chủ tịch Hà Nội nói.
Ông Chu Ngọc Anh cũng trả lời về chính sách hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân; chính sách hỗ trợ y tế tuyến huyện và về việc học tập của con em công nhân.
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Hà Nội có trên 2,5 triệu lao động, trong đó có 165.000 lao động làm việc tại 9 khu công nghiệp và chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tiền lương, thu nhập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao nên đời sống khó khăn. Thực trạng đó khiến nhiều lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ quy định.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn. Đặc biệt, việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Võ Hải
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận