24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Công nghiệp ô tô và câu chuyện “nội địa hóa”

Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm từng bước tháo gỡ bất lợi về giá thành của sản phẩm ô tô nội địa, khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa trong ngành ô tô, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Gian nan nội địa hóa

Trong khi các nhà sản xuất ô tô than phiền rằng ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu, số lượng doanh nghiệp nội có thể cung cấp linh phụ kiện chỉ đếm "trên đầu ngón tay", thì các doanh nghiệp phụ trợ cũng cho biết dung lượng thị trường và đơn đặt hàng quá nhỏ nên nhà đầu tư vào lĩnh vực này không mặn mà.

Ông Hoàng Chí Trung, Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam cho biết, năm 2021 xảy ra tình trạng thiếu hụt linh kiện diễn ra trên toàn cầu, và VinFast cũng không ngoại lệ. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp này đã đàm phán hợp đồng, mở rộng nhà cung ứng. Đối với đối tác quan trọng cung cấp linh kiện hiếm, công ty cũng thường xuyên chia sẻ kế hoạch phát triển, có kế hoạch dài hơi, chuẩn bị trước về lập kế hoạch cung ứng.

Đối với xe điện, hiện VinFast đã nội địa hoá được 60%, đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong thời gian tới thông qua khởi động nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh... Câu chuyện nội địa hoá của VinFast cho thấy tín hiệu tích cực của ngành ô tô Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Ban hoạch định chiến lược Công ty Toyota Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Toyota đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia, cử đến làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước để phát triển sản xuất linh kiện. Tuy vậy, số lượng nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất của Toyota còn rất ít. Hiện chỉ có 46 nhà cung ứng linh kiện Việt Nam cho Toyota, nhưng trong đó chỉ có 6 nhà cung ứng thuần Việt.

Trong thời gian tới đây sẽ thêm 2 doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất của Toyota nhưng sẽ phải nhiều năm sau thì năng lực sản xuất của họ mới đạt được yêu cầu theo chuẩn toàn cầu. "Có nhà cung ứng, chúng tôi phải mất 3 tháng trời chỉ để hỗ trợ nhằm đạt tiêu chuẩn cơ bản nhất. Như vậy, để tìm được nhà cung ứng có tiềm năng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là một quá trình dài, quyết tâm cao và cả cam kết của người đứng đầu", ông Hiếu cho biết thêm.

Theo đó, muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành ô tô, doanh nghiệp phụ trợ phải đáp ứng được các yêu cầu như năng lực nghiên cứu, phát triển; khả năng quản trị chi phí; chất lượng; tiến trình giao hàng; tiêu chuẩn môi trường...

Quy mô thị trường còn nhỏ

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thừa nhận, ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam so với Thái Lan hay Indonesia thì kém hơn hẳn. Chuỗi cung ứng ngành ô tô Việt Nam không có nhiều chuyển biến trong thời gian qua. Để tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô thì doanh nghiệp phải đạt chứng chỉ IATF 16949. Thống kê số liệu toàn cầu năm 2011 thì Trung Quốc có 16 nghìn chứng chỉ này, còn trên thế giới vào năm 2015 đã có hơn 60 nghìn chứng chỉ. Trong khi đó, đến năm 2017, Việt Nam mới đạt được 5 chứng chỉ, năm 2021, có 21 công ty đạt chứng chỉ IATF 16949.

"Đúng là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt vốn nhỏ, năng lực còn yếu nhưng còn có nguyên nhân sâu xa hơn là quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn quá nhỏ", bà Bình nói.

Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư không mặn mà. Hiện, số lượng người chấp nhận bỏ vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô không nhiều.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2021, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên đạt 304.149 xe, tăng 3% so với năm 2020; trong đó xe ô tô du lịch giảm 3%, xe thương mại tăng 17% và xe chuyên dụng tăng 50%. Nhìn toàn cục, tính về sản lượng, quy mô sản xuất thì ngành ô tô Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Trước thực trạng trên, năm 2022, Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm từng bước tháo gỡ bất lợi về giá thành của sản phẩm ô tô nội địa, khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa trong ngành ô tô, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Đồng thời, nghiên cứu các ưu đãi đầu tư đặc biệt để thu hút các dự án sản xuất ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường từ các tập đoàn ô tô đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, ưu tiên các dự án có chuyển giao và làm chủ các công nghệ như sản xuất pin, động cơ điện ECU điều khiển...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả