Công cụ kiểm soát lãng phí đầu tư xây dựng
Hiện nay, hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành áp dụng chung tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD.
Hệ thống định mức xây dựng
Thông tư 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng nêu rõ, định mức xây dựng là quy định về mức độ hao phí cần thiết của vật liệu, máy móc và nhân công để hoàn thành một khối lượng công việc cụ thể trong xây dựng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, giúp chủ đầu tư xác định tổng giá trị đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lý chi phí đầu tư hợp lý.
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các công trình quốc gia, dự án khu đô thị, giao thông hiện nay, Bộ Xây dựng luôn xác định và cập nhật hệ thống định mức xây dựng làm công cụ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương kiểm soát nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế theo cơ chế thị trường và phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, hệ thống định mức xây dựng ban hành áp dụng chung đến nay, Bộ đã công bố 16.005 định mức xây dựng; loại bỏ khoảng 2.000 định mức lạc hậu, không còn phù hợp; hiệu chỉnh, sửa đổi khoảng 6.500 định mức; bổ sung 1.500 định mức có sử dụng các loại vật liệu, công nghệ, biện pháp thi công mới.
Ông Hồ Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng đã và đang được số hóa để áp dụng sử dụng chung, bước đầu mang lại những tác động tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế xây dựng nói riêng và ngành xây dựng nói chung.
Thống kê, hệ thống định mức xây dựng của Bộ Xây dựng hiện nay, với khoảng 34.000 định mức do các cơ quan có thẩm quyền công bố đã loại bỏ những yêu tố gây phát sinh chi phí đầu tư xây dựng dẫn đến thất thoát lãng phí, qua đó giúp cho việc kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng được chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng áp dụng sai hoặc lợi dụng làm tăng chi phí đầu tư xây dựng, gây thất thoát, lãng phí; đồng thời, tiết kiệm giá trị dự toán từ 2,5 - 4% tùy theo loại hình công trình, tương đương khoảng 13.000 tỷ trên tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản quốc gia hàng năm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế xây dựng cho rằng các phương pháp xây dựng định mức, đơn giá ngày càng được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và phù hợp với thị trường.
Tăng cường quản lý Nhà nước về định mức xây dựng
Theo ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ hệ thống định mức xây dựng do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành được áp dụng đối với các dự án đầu tư công, đối tác công tư PPP hay dự án sử dụng vốn khác. Việc phân công, phân cấp xây dựng và quản lý hệ thống định mức, giá xây dựng được quy định theo hướng minh bạch, rõ trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng, Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành, các địa phương và các chủ đầu tư công trình.
Bộ Xây dựng sẽ rà soát, cập nhật 3 năm một lần kể từ ngày định mức được ban hành hoặc sớm hơn khi cần thiết và được quản lý theo hệ thống mã hiệu do Bộ Xây dựng quy định. Theo định hướng chuyển đổi số quốc gia, các văn bản pháp luật cũng thể chế hóa kịp thời việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động xây dựng trong đó bao gồm định mức xây dựng. Đây được coi là khung pháp lý quan trọng cho việc số hóa ngành xây dựng, hỗ trợ việc nắm bắt thông tin thị trường xây dựng phục vụ quản lý Nhà nước, tạo ra thị trường xây dựng cạnh tranh, minh bạch.
Trong thời gian tới đây, việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng sử dụng chung sẽ được thống nhất quản lý, vận hành và kiểm soát toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Những bước tiến quan trọng này sẽ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tiết kiệm nguồn lực, công khai minh bạch thông tin, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng đang kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, rà soát, cập nhật, ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống định mức, đơn giá đáp ứng việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm hướng dẫn, cho ý kiến về phương pháp, kết quả công bố và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư là các chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về việc quyết định hình thành, quản lý, sử dụng tài sản và đánh giá kết quả sử dụng tài sản; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tư vấn từ tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát, nghiệm thu, quyết toán dự án, công trình... theo hướng minh bạch hệ thống định mức xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận