Cơn sốt giá gạo "giảm nhiệt": Cần tạo đột phá từ gạo chất lượng cao XK
Tình hình an ninh lương thực trên thế giới đã tạo cho gạo nước ta cơ hội, song Việt Nam vẫn chú trọng bảo đảm an ninh lương thực trong nước, hài hòa với xuất khẩu.
Giá lúa có giảm nhưng vẫn ở mức cao
Theo TTXVN, hiện nông dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang thu hoạch lúa Thu Đông tập trung. Hiện, toàn thành phố đã thu hoạch 20.000 ha, với năng suất ước đạt từ 5,3 - 5,5 tấn/ha, cao hơn 0,58 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2022. Với giá bán lúa dao động từ 7.800 - 8.500 đồng/kg lúa tươi tùy loại, vụ Thu Đông năm nay nông dân Cần Thơ lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/công (1.300 m2).
Thời gian gần đây giá lúa có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, theo đó, bình quân nông dân thu lãi từ 18 - 20 triệu đồng/ha, đây là vụ lúa Thu Đông có mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 610-620 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức 620-630 USD/tấn của tuần trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.800 đồng/kg, giá bình quân là 7.654 đồng/kg, giảm 61 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa thường tại kho giảm trung bình 67 đồng/kg, ở mức 8.842 đồng/kg; giá cao nhất là 9.200 đồng/kg. Đặc biệt, giá các mặt hàng gạo có sự giảm mạnh hơn so với giá lúa.
Những ngày trở lại đây, cơn sốt giá gạo giảm nhiệt, không chỉ ở trong nước giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần qua tiếp tục giảm so với các mức cao gần đây, trong khi việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đồ đã khiến khiến hoạt động giao dịch chững lại khi người mua trì hoãn để đợi giá rẻ hơn.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ ổn định ở mức từ 525-535 USD/tấn trong tuần thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn gần mức cao kỷ lục từ 520-540 USD/tấn đạt được vào ngày 31/8.
Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu từ tháng Tám, một động thái hạn chế mới đối với nhóm gạo không phải basmati.
Nâng tầm hạt gạo Việt và những cơ hội mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, gạo Việt Nam đã và đang đi đúng định hướng, tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng.
Trao đổi với báo Vnexpress, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm nay, xuất khẩu gạo sẽ đạt kỷ lục. "Để đón lấy cơ hội giá cao như hiện nay, các địa phương trong vùng cần bảo vệ tốt diện tích lúa Thu Đông chuẩn bị thu hoạch, tập trung xuống giống vụ Đông Xuân theo định hướng đề ra" Thứ trưởng lưu ý.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, dự báo những tháng tới, nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường thế giới khá cao do nguồn cung hạn hẹp bởi lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ. Indonesia có nhu cầu nhập gạo số lượng lớn; Philippines khả năng giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 10%.
"Nguồn cung xuất khẩu gạo của Việt Nam không còn dồi dào", ông Tùng nói và nhận định do đó giá lúa vẫn có nhiều khả năng giữ ở mức cao như hiện nay cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, Bộ NN&PTNT thông tin, đến hết tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.
Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho hay, giá xuất khẩu gạo đang ở mức cao nhất trong 11 năm qua.
Cập nhật thông tin từ thị trường, cuối tháng 9/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613-617 USD/tấn, gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Đáng chú ý, đối với dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.
Phân tích về thị trường lúa gạo thế giới, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam đang có lợi thế lớn khi nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia tăng mạnh. Ngoài nguyên nhân từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì còn có nguyên nhân quan trọng từ dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm do tác động của El Nino.
Tại Thái Lan, sản lượng gạo năm nay có thể giảm 6%, xuống mức từ 25,1 đến 25,6 triệu tấn và còn có thể xuống thấp hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam cũng dự báo 70-80% hiện tượng El Nino sẽ phát triển vào gần cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ NN&PTNT, sẽ có 10-15 nghìn héc ta lúa thu đông của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.
Đáng chú ý, để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đều đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực khiến nhu cầu gạo trên thế giới càng tăng cao. Đây là những điều kiện để xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá trong năm nay.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố cung - cầu, gạo Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới bởi chất lượng hạt gạo. Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 324,1 nghìn tấn).
Cần xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5-8-2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, tính đến tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu héc ta lúa. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu héc ta với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Trồng trọt đã có đoàn kiểm tra một số vùng trồng lúa trọng điểm, dự kiến sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,2-43,4 triệu tấn. Cục cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm việc với các địa phương để kiểm tra nguồn nước, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 để có nguồn cung lúa gạo tốt nhất cho thời gian tới; có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha để gia tăng sản lượng.
Để xuất khẩu gạo bền vững về lâu về dài, Bộ NN&PTNT yêu cầu các vùng trồng lúa trọng điểm cùng doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi lúa gạo. Hiện, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, nhu cầu gạo chất lượng cao cũng tăng mạnh. Theo đó, Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận