"Cơn sốt" AI gây chấn động Phố Wall: Giới đầu tư nhập cuộc
VietTimes – Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên một cuộc ganh đua khốc liệt trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Đã trải qua hơn 70 năm kể từ khi nhà khoa học máy tính người Anh Alan Turing viết một nghiên cứu đặt nền móng cho Phép thử Turing để đánh giá xem liệu máy móc có thể suy nghĩ hay không.
Nhưng hóa ra câu hỏi nên đặt ra là, liệu chúng có thể bán quảng cáo hay không?
Phố Wall “phát sốt” vì ChatGPT
Trong suốt 2 tháng qua, Phố Wall dường như bị chiếm đóng bởi ChatGPT, tên của chatbot mà giờ nổi như cồn, một sản phẩm của startup OpenAI. ChatGPT ra mắt vào ngày 30/11 như một dịch vụ miễn phí, và cả thế giới choáng váng bởi khả năng trả lời câu hỏi cũng như tạo ra các chất liệu của nó, từ viết thư cho tới mã máy tính. ChatGPT đã thu hút được hơn 100 triệu người dùng trong tháng 1, vượt kỷ lục mà TikTok từng đạt được trước kia.
Sự thành công rực rỡ của nó làm dấy lên câu hỏi trên khắp Phố Wall rằng, những “gã khổng lồ” công nghệ sẽ phản ứng như thế nào. Microsoft mới đây tuyên bố chi thêm 10 tỉ USD để tăng cổ phần của họ trong OpenAI, khiến nhiều người đồn đoán về việc công ty này có thể thêm cái gọi là “generanative AI” vào các sản phẩm của họ.
Ngay trong tuần này, Microsoft đã đưa ra câu trả lời chính thức. Họ công bố một phiên bản của bộ máy tìm kiếm Bing, tích hợp nó với khả năng ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển. Động thái mới sẽ gây tác động lớn tới thị trường, đặc biệt là với công ty mẹ của Google, Alphabet, do thế thống trị của họ trong tìm kiếm trực tuyến lần đầu tiên bị thách thức sau nhiều thập kỷ.
“AI về cơ bản sẽ thay đổi mọi danh mục phần mềm, bắt đầu với danh mục lớn nhất trong tất cả: tìm kiếm,” CEO Microsoft Satya Nadella phát biểu trong tuần này.
Một ngày trước khi Microsoft đưa ra tuyên bố trên, Google công bố chatbot AI của riêng họ có tên Bard. Công ty này cũng có ý định thêm chức năng AI vào bộ máy tìm kiếm lõi của họ. Trong tuần trước, Alphabet tổ chức một sự kiện ít được biết đến ở Paris để công bố một số cập nhật với bản đồ, tìm kiếm hình ảnh và dịch thuật liên quan tới AI. Nhưng dường như thị trường không mấy mặn mà.
Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh chi tiết nhỏ rằng, trong khi CEO Microsoft Nadella làm chủ tọa trong buổi ra mắt tính năng mới của Bing, thì CEO Alphabet Sundar Pichai không tham gia vào sự kiện của Google ở Paris. Đó chính là lý do mà Bard không thu hút được nhiều sự quan tâm.
Nhiều nhà phân tích và đầu tư đã bỏ ra nhiều thời gian trong tuần này để bàn về một việc: liệu Bing phiên bản mới có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong thị trường tìm kiếm trực tuyến hay không?
Google hiện nay kiểm soát tới 93% thị trường tìm kiếm, trong khi Bing chỉ chiếm được 3%, theo dữ liệu của Statcounter. Như vậy, Google đang ở thế gần như thống trị hoàn toàn ngành kinh doanh quảng cáo liên quan tới tìm kiếm. Công ty này hiện đang tham gia một số vụ kiện tụng, trong đó bên nguyên cáo buộc rằng hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của Google vi phạm luật chống độc quyền liên bang.
Vụ kiện đầu tiên, bắt đầu từ năm 2020, tập trung vào lĩnh vực tìm kiếm. Nó được đem ra xét xử tại tòa trong năm sau đó. Chỉ cách đây vài tuần, vụ kiện thứ hai xuất hiện, và lần này liên quan tới thị trường quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như ít lo ngại hơn về điều đó, trong khi quan tâm nhiều hơn tới khả năng Google bị mất thị trường vào tay phiên bản Bing được AI hỗ trợ.
Những khoản đặt cược béo bở
Cho đến mãi tuần trước, phần lớn những hoạt động của AI dường như đều nằm ngoài thế giới của Big Tech, khi các nhà đầu tư đang ra sức tìm ra những cách trực tiếp hơn để khiến nó nổi bật hơn. Cơn sốt do ChatGPT tạo ra đã đẩy giá cổ phiếu Smallcap (thuật ngữ đề cập những công ty có mức vốn hóa với giá trị thấp trên thị trường) không khác gì thời kỳ mà tiền mã hóa, in 3D hay thịt giả mới xuất hiện.
C3.ai, nhà cung cấp các công cụ phần mềm AI cho doanh nghiệp, có giá cổ phiếu tăng 101% trong năm nay, do công ty có kế hoạch đưa ra một giao diện tìm kiếm cho phần mềm của họ, trong đó bao gồm công nghệ từ cả OpenAI lẫn Google.
Giá cổ phiếu của BuzzFeed tăng 145% trong năm nay, nhờ thông tin họ có kế hoạch sử dụng ChatGPT để tạo nội dung cho website của mình.
Nhưng các nhà đầu tư cần phải thận trọng. Nghiên cứu phần mềm AI đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Công nghệ này hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Trong trường hợp của Alphabet, việc khởi động Bard chỉ là một phần của nỗ lực nhiều năm của họ.
Alphabet đã mua công ty phần mềm AI trụ sở tại London, có tên DeepMind, vào năm 2014 với giá hơn 500 triệu USD. Google đã nỗ lực tích hợp AI và máy học trong nhiều sản phẩm phần mềm của họ trong suốt hơn 2 thập kỷ. AI được ứng dụng vào Google Translate, trong dịch vụ tìm kiếm lõi của họ, trong Google Lens, Google Maps và cả Gmail…
“AI là công nghệ phức tạp nhất mà chúng tôi nghiên cứu hiện nay,” CEO Pichai viết trên một bài đăng về Bard. “Điều chủ chốt là chúng tôi mang những trải nghiệm về mô hình này cho toàn thế giới theo cách táo bạo và có trách nhiệm.”
Tuyên bố này được cho là nhằm vào ChatGPT, bởi có nhiều lời chỉ trích rằng chatbot này không phải lúc nào cũng đưa ra được thông tin chính xác – và vì tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên ở mọi độ tuổi gian lận trong các kỳ thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận