“Cơn bĩ cực” ở VSF
Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (UPCoM: VSF) từng là nhà sản xuất, xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết.
Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, VSF liên tục chìm trong thua lỗ.
VSF liên tục lỗ ròng từ năm 2013.
Kết thúc năm 2021, VSF đã có tổng số lỗ lũy kế lên 2.677 tỷ đồng, trong khi những chưa có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay.
Liên tục thua lỗ
VSF vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021. Theo đó, doanh thu thuần đạt 4.102 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính tăng 60%, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh 173%. Ngoài ra, Công ty còn có khoản lỗ gần 3,3 tỷ đồng từ công ty liên kết… Do đó, VSF vẫn ghi nhận lỗ ròng 87,2 tỷ đồng, mức lỗ tăng 141,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thua lỗ thứ 9 của VSF.
Lũy kế cả năm 2021, VSF đạt doanh thu thuần 16.563 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm 2020, song lợi nhuận gộp giảm so với năm 2020 do giá vốn tăng cao. Sau khi trừ chi phí, VSF ghi nhận lỗ ròng 326 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước.
2.677 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của VSF tính đến cuối năm 2021, trong đó số lỗ ròng năm 2021 là 326 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, tổng tài sản hợp nhất của VSF là 6.520 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2020, trong khi nợ phải trả lại tăng 1,8% lên 3.965 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tái cấu trúc
Theo giải trình của VSF, sở dĩ VSF liên tục thua lỗ là do COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Công ty. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của VSF phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay tín dụng, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế vì Công ty liên tục thua lỗ nên các ngân hàng đã từ chối các hợp đồng tín dụng đối với Công ty.
Ngoài ra, bộ máy của VSF quá cồng kềnh, cũng khiến Công ty hoạt động ngày kém hiệu quả, trong khi chi phí hoạt động tăng cao.
Trước những khó khăn trên, Ban Lãnh đạo VSF đã đẩy mạnh tái cấu trúc Công ty. Theo đó, VSF kỳ vọng năm 2022 sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng các khoản chi phí quản lý; Giảm 70 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản; Thu 80 tỷ đồng từ thanh lý các tài sản không dùng đến. Ngoài ra, VSF dự kiến thu về khoảng 60 tỷ đồng từ thoái vốn tại các công ty liên kết.
Còn đó nhiều thách thức
Còn nhớ năm 2018, Tập đoàn T&T đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần VSF. Theo đó, T&T được kỳ vọng sẽ giúp VSF cải thiện tình hình hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, hàng loạt những bất cập, thách thức khiến cho những kỳ vọng này vẫn chưa thể thực hiện được. T&T cho biết đã từng đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của T&T không được thông qua do cơ cấu thành viên HĐQT cổ đông Nhà nước chiếm tỷ lệ 3/5.
Những vướng mắc nói trên, cộng với khó khăn, thách thức cố hữu, như bộ máy cồng kềnh, bộ máy kinh doanh thiếu và yếu, mất khách hàng truyền thống… khiến VSF liên tục thua lỗ, trong khi rủi ro mất thanh khoản do ngân hàng dừng giải ngân luôn cận kề.
Đáng chú ý, VSF đang có 1.282 tỷ đồng nợ xấu, nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ có 6,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị hao mòn lũy kế các tài sản cố định hữu hình của VSP đã vượt quá 2/3 giá trị ban đầu của tài sản. Đặc biệt, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm 2021 của công ty đang âm hơn 600 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, VSF còn liên tục vướng vào nhiều lùm xùm pháp lý trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận