Còn bất cập khiến doanh nghiệp lo lắng khi “bình thường mới”
Một số địa phương áp dụng không thống nhất các quy định của Trung ương về thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Vẫn còn tồn tại bất cập khiến doanh nghiệp gặp khó
Chiều 11/11, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã tổ chức làm việc trực tuyến với 10 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp nhằm tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước; Đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các quy định, hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tác động tích cực thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng trước.
Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử được các hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh.
Theo đánh giá, một số hướng dẫn về thích ứng với dịch Covid-19 trong bối cảnh mới tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể, gây ra một số khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp khi áp dụng; Đặc biệt là quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất; Quy trình cách ly, phòng dịch đối với các đối tượng chưa được tiêm vắc xin, các đối tượng F1, F2; Chưa có các hướng dẫn thống nhất về việc theo dõi sức khỏe tại nhà…
Đồng thời, nột số địa phương vẫn còn tình trạng áp dụng không thống nhất các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới khi vẫn duy trì các chốt kiểm soát, gây khó khăn cho các hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất cũng như di chuyển của người lao động.
Mặt khác, các quy định về phòng dịch hiện nay vẫn đang làm phát sinh nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp rất cần nguồn tài chính ổn định để đáp ứng các đơn hàng mới khi phục hồi sản xuất những tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính (miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí…), tín dụng, an sinh xã hội (các chính sách về bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động…) cho doanh nghiệp và người dân còn nhiều vướng mắc, chậm trễ trong quá trình áp dụng và chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Thống nhất quy định để cởi trói cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng đề xuất 6 nhóm giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh khi bình thường mới.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng.
Trên cơ sở các đề xuất của các hiệp hội, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương để phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận