menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Cỗ xe tam mã tăng trưởng đối mặt với nhiều rào cản phía trước

Với kết quả tăng trưởng GDP trong quý 3 âm đến 6.17%, giảm sâu hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhiều kỳ vọng về sự phục hồi sẽ nhanh chóng quay trở lại trong quý 4 này khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam, tuy nhiên, mọi thứ có thể cần phải mất thêm nhiều thời gian hơn.

Bi quan ngắn hạn

Với kết quả bết bát trong quý 3, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ còn đạt mức thấp 1.42%, thấp hơn cả mức tăng 2.12% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020 khi thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19. Vì lẽ đó, dễ hiểu vì sao các tổ chức tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, dù vẫn kỳ vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong năm sau.

Hồi giữa tháng 9, HSBC đã sớm điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 5.1% do tác động nặng nề của đợt bùng dịch thứ tư, nhưng kỳ vọng GDP năm 2022 sẽ quay lại mức 6.8%. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) bi quan hơn khi dự báo GDP Việt Nam chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 3.8% trong năm nay và 6.5% vào năm 2022. Cả hai mức tăng trưởng này đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 là 6.7% (2021) và 7% (2022).

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng GDP cả năm có thể tăng 3.5-4% nếu dịch được kiểm soát trong tháng 9, trong khi năm 2022 có thể đạt khoảng 6-6.5%. Nhưng với những gì đang diễn ra, khó có thể nói Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch. Mới đây nhất, ngân hàng UOB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống chỉ còn 3%, nhưng vẫn giữ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2022 với mức 7.4%.

Còn công ty Dịch vụ Tài chính DBS thậm chí hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 1.8% từ mức 5.0%, tuy nhiên tổ chức này cũng tin rằng điều tồi tệ nhất với kinh tế Việt Nam đã qua đi và năm 2022 sẽ tươi sáng hơn, theo đó tổ chức này cũng nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8.0%, so với 6.8% trước đó.

Những rào cản

Đáng lưu ý là khá nhiều kỳ vọng tin rằng sức bật của nền kinh tế sẽ sớm lấy lại sức mạnh ngay trong quý 4 này, tuy nhiên dựa trên thực trạng kinh tế hiện nay, có khá nhiều trở ngại trên lộ trình tăng trưởng phía trước. Có thể thấy “cỗ xe tam mã” tăng trưởng của Việt Nam, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đều đang phải đối mặt những khó khăn riêng rẽ và đặc thù.

Đầu tiên là ở hoạt động xuất khẩu, trái với con số xuất siêu mạnh mẽ trong năm 2020, 9 tháng đầu năm nay ghi nhận nhập siêu lên đến 2.13 tỷ USD. Dù tính riêng tháng 9 vừa qua, nền kinh tế chứng kiến xuất siêu trở lại là 500 triệu USD sau 5 tháng nhập siêu liên tiếp trước đó, nhưng rõ ràng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phía trước vẫn gặp khá nhiều thách thức.

Không chỉ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng giá cước vận tải toàn cầu tăng mạnh cùng với tình trạng thiếu hụt container rỗng suốt từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh bùng phát thời gian qua cùng với chính sách giãn cách xã hội đã tác động rất xấu lên hoạt động xuất khẩu, khi hoạt động sản xuất tại các trung tâm kinh tế phải ngưng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Chẳng những vậy, xu thế mạnh lên của tiền đồng cũng khiến lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam bị giảm xuống.

Ở hoạt động tiêu dùng, trước những rủi ro của nền kinh tế, niềm tin tiêu dùng cũng tiếp tục suy yếu. Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín vừa qua giảm đến 28.4% so với cùng kỳ năm trước; quý III giảm 28.3% còn tính chung 9 tháng cũng giảm 7.1% so với cùng kỳ năm trước.

Với cầu tiêu dùng suy yếu, các doanh nghiệp cũng khó lòng mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại. Đó là chưa nói đến một bộ phận doanh nghiệp đã thấm đòn nặng nề trong giai đoạn vừa qua vì phải chống chọi với những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu cả nguồn nhân lực khi muốn khôi phục lại hoạt động, vì một lực lượng lao động không nhỏ đã về quê và chưa sớm quay lại các trung tâm kinh tế.

Điều tiêu cực hơn là không chỉ thu nhập giảm sút đã khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, mà do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện nay người dân cũng có tâm ly lo sợ cho tương lai nhiều hơn, do đó, có xu hướng tăng cường tiết kiệm và tích trữ để chống chọi với những cú sốc kinh tế có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Diễn biến này kéo dài rõ ràng sẽ càng tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư khó tăng trưởng mạnh ngay

Với nhu cầu tiêu dùng suy yếu, các doanh nghiệp cũng khó lòng mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại. Đó là chưa nói đến một bộ phận doanh nghiệp đã thấm đòn nặng nề trong giai đoạn vừa qua vì phải chống chọi với những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu cả nguồn nhân lực khi muốn khôi phục lại hoạt động, vì một lực lượng lao động không nhỏ đã về quê và chưa sớm quay lại các trung tâm kinh tế.

Tình trạng thiếu lao động hậu dịch bệnh cũng là mối lo ngại không nhỏ tại nhiều nền kinh tế khác. Như tại Mỹ, mỗi tháng có hàng triệu người lao động nước này đã nghỉ việc trong vài tháng qua sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, điều chưa từng xảy ra từ tháng 12/2000, cho thấy làn sóng nghỉ việc nghiêm trọng đến mức nào. Dịch bệnh đã khiến nhiều người quá mệt mỏi và muốn tìm lại cân bằng trong cuộc sống, cũng như thay đổi mục tiêu sống. Khảo sát của Microsoft cho thấy 41% lao động trên thế giới đang nghĩ đến chuyện bỏ việc sau đại dịch.

Trong khi hoạt động đầu tư trong nước suy yếu, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chứng kiến xu hướng chậm lại trong thời gian qua, khi Việt Nam phải đương đầu với các đợt bùng phát dịch tại nhiều địa phương, ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng và hoạt động của các doanh nghiệp FDI hiện tại. Nhiều lo sợ dấy lên gần đây về nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài thậm chí có thể chuyển dịch sản xuất, rút vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam.

Để bù đắp hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân và nhóm FDI suy giảm, Chính phủ Việt Nam định hướng đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian qua cũng như cho giai đoạn tới, để kéo nền kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái. Dù vậy, mục tiêu này cũng gặp những trở ngại, khi mà ngân sách hiện nay vẫn đang ưu tiên chi tiêu chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ người lao động và chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.

Rõ ràng vốn ngân sách khó có thể dàn trải trên khắp các mặt trận cùng lúc, nhất là khi nhìn vào áp lực thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam từ trước đến nay luôn là một nan đề. Hoạt động đầu tư công còn gặp trở ngại từ giá vật liệu xây dựng, các loại nguyên nhiên vật liệu tăng vọt trong thời gian qua, khiến chi phí đầu tư càng bị đẩy lên cao. Đó là những vấn đề mà sẽ chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại