Có thêm gần 300 tỷ đồng, tài sản nhà đại gia 54 tuổi người Hà Nội vượt mốc 5.200 tỷ
Với đà phục hồi ấn tượng ở cuối phiên giao dịch, khối tài sản nhà đại gia 54 tuổi người Hà Nội này ghi nhận mức tăng thêm gần 300 tỷ đồng.
Nhóm chỉ số VN30-Index tăng 3,32 điểm tương ứng 0,27% lên 1.252,24 điểm; HNX-Index tăng 1,19 điểm tương ứng 0,43% và UPCoM-Index thu hẹp biên độ thiệt hại, chỉ còn mất 0,41 điểm tương ứng 0,46%.
Trong phiên giao dịch mà chỉ số VN-Index ghi nhận sự biến động mạnh, mã cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam cũng có phiên giao dịch với nhiều bất ngờ. Theo đó, cổ phiếu VIB từ mức giá giảm sâu chỉ còn 20.200 đồng có lúc đã tăng trần lên 23.000 đồng trước khi đóng cửa tại 22.750 đồng ghi nhận mức tăng 5,8%.
Đà tăng ấn tượng của VIB về cuối phiên không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông của ngân hàng. Mức tăng ấn tượng này còn giúp khối tài sản của gia đình ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB ghi nhận mức tăng thêm cả trăm tỷ đồng.
Theo đó, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 231 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ, khối tài sản gia đình Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã ghi nhận mức tăng thêm hơn 289 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7. Tính theo giá thị trường, khối tài sản gia đình đại gia 54 tuổi người Hà Nội đang trực tiếp nắm giữ lên tới hơn 5.270 tỷ đồng.
VIB ghi nhận đà hồi phục và tăng ấn tượng sau khi xuất hiện thông tin mã cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ thế chỗ PNJ trong rổ VN30 trong kỳ cơ cấu quý 3/2022.
Dựa trên số liệu chốt ngày 30/6, SSI Research dự báo danh mục chỉ số VN30 có thể loại cổ phiếu PNJ do vốn hóa cổ phiếu không đủ duy trì trong top 40 trong rổ xem xét. Ngược lại, cổ phiếu VIB có thể được lựa chọn vào chỉ số để thay thế do đây là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất ngoài danh mục.
Trong kỳ cơ cấu này, SSI Research ước tính VIB sẽ được các quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu (bao gồm VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset, VN30, và KIM VN30) mua 8,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ trọng 2,11%. Trong khi đó, SSI Research dự báo khoảng 1,4 triệu cổ phiếu PNJ được bán ra và các cổ phiếu còn lại có giao dịch không đáng kể.
Sau phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 với những biến động mạnh về chỉ số, chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán SHS (SHS) đánh giá sau ba tuần điều chỉnh liên tiếp để test lại vùng đáy cũ quanh ngưỡng 1.160 điểm trong tháng 5, thị trường đã có hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối của tháng 6 sau ba phiên liên tiếp test thành công hỗ trợ 1.160 điểm (21/6-23/6) để hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, theo SHS với phiên giảm mạnh vào ngày 30/6 cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn khá yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi của thị trường. Và với phiên hồi nhẹ về cuối tuần nhưng với thanh khoản vẫn ở mức thấp thì khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần tới là vẫn có thể xảy ra.
Chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá dòng tiền nhìn chung vẫn còn thận trọng, thể hiện qua thanh khoản khá thấp, đồng thời tín hiệu suy yếu tại vùng cản 1.200 – 1.220 điểm vẫn đang gây sức ép khá lớn cho thị trường. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn tại vùng cản này.
Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định với việc đảo chiều tăng điểm đóng cửa trên đường MA10 ngày, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VN30, VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index vẫn duy trì ở mức Trung tính.
VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định lực bán tại kháng cự MA5 đang nằm tại 1.210 điểm.
Nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc này với KLGD tiếp tục gia tăng, đà hồi phục của chỉ số sẽ được củng cố lại với mục tiêu gần nhất là mốc 1235 điểm và cao hơn là 1255 điểm (MA50). Ngược lại, nếu lực cầu giá cao một lần nữa không đủ mạnh giúp VN-Index duy trì đà tăng, chỉ số sẽ suy yếu về phía cuối ngày để kiểm định lại hỗ trợ của đường MA10 tại 1.192 điểm hoặc thấp hơn là khu vực đáy trung hạn 1.160-1.170 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận