Cổ phiếu VNM trước ngưỡng cửa một chu kỳ mới?
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã có đợt tăng giá tốt nhất năm 2024 trong tháng 7-8. Qua đó, đánh dấu những bước chuyển mình đáng chú ý sau 3 năm liên tiếp đi lùi.
Cơ hội kết thúc 3 năm giảm giá
Giai đoạn tháng 7-8 năm nay, nhà đầu tư đã được chứng kiến một nhịp tăng giá tốt nhất trong năm 2024 của cổ phiếu VNM trên thị trường chứng khoán. Sau khi có sự hạ nhiệt do hoạt động chốt lời, tính đến hết phiên giao dịch 07/10, VNM vẫn đang có mức sinh lời 4,04%.
Ngoài ra, thương hiệu có 38 năm hoạt động thực tế vẫn luôn duy trì chính sách chi trả cổ tức cao và đều đặn qua các năm. Tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt năm 2023 là 38,5% và dự kiến cũng sẽ chi trả tương với năm 2024.
Thực tế, vào cuối tháng 8 vừa qua, Công ty đã hoàn tất việc chi trả cổ tức năm 2023 và còn tạm ứng trước cổ tức của năm 2024 với tỷ lệ 15%.
So sánh với các cổ phiếu trong rổ VN30, hiệu suất tăng trưởng của cổ phiếu VNM đứng thứ 23 nhưng vẫn tốt hơn so với nhiều cổ phiếu lớn như VRE (-22%), SSB (-17%), VIC (-8,4%), SAB (-4,7%) còn đang gây thua lỗ cho nhà đầu tư.
Nếu giữ được thành quả hoặc tiếp tục có sự cải thiện về giá, cổ phiếu VNM sẽ đánh dấu năm tăng giá đầu tiên sau 3 năm liên tiếp sụt “đi lùi”. Đồng thời, năm 2024 cũng có thể sẽ năm tăng giá thứ 13 trong lịch sử 19 năm niêm yết trên HOSE.
Hiện dòng tiền ngoại vẫn đang duy trì giải ngân sang tháng thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị mua ròng đạt gần 2.800 tỷ đồng. Đây là những bằng chứng rõ ràng hơn về sự thay đổi của khối ngoại bởi trước đó, VNM đã trải qua liên tiếp 9 tháng bị bán ròng kể từ tháng 10/2023.
Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn tới những tiêu chuẩn nâng hạng, CTCK ACBS gần đây đã dự báo VNM sẽ là một trong những cổ phiếu được đưa vào các bộ chỉ số của FTSE. Dự kiến, VNM sẽ có thể được các quỹ ETFs mua thêm 124 triệu USD.
Nhận diện mới, động lực mới
Sau một thời gian chưa tìm được những động lực tăng trưởng mới, Vinamilk đã tìm cách làm mới lại chính mình.
Dấu ấn nổi bật là sự kiện giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới vào tháng 7/2023, thể hiện tính cách “táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình” của Vinamilk và đại diện cho nguồn năng lượng trẻ trung và khát khao của người Việt. Công ty cũng đã “thay áo” cho toàn bộ sản phẩm sữa nước theo thương hiệu mới.
Nhờ đó, thị phần nội địa của Vinamilk đã tăng 1,4 điểm % từ tháng 3 tới tháng 7/2024 chủ yếu đến từ dòng sản phẩm sữa đặc, sữa nước, sữa chua uống.
Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM đạt lần lượt 30.768 tỷ đồng (+5,7%) và 4.903 tỷ đồng (+18,6%) trong đó doanh thu nội địa tăng 3,1% còn doanh thu xuất khẩu tăng trưởng tới 18,7%.
Sự cải thiện mạnh mẽ về lợi nhuận của công ty còn có đóng góp lớn từ giá nguyên liệu đầu vào là sữa bột có thể tiếp tục duy trì đà giảm do sản lượng sữa bột ở châu Âu ở mức cao.
Cùng với đó, những kết quả của hoạt động M&A cũng đang tạo động lực tăng trưởng mới cho Công ty sau khi thôn tính CTCP GTNFoods để nắm quyền chi phối CTCP Giống Bò Sữa Mộc Châu vào năm 2019.
Công ty hiện đang tích cực hoàn thiện dự án “Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef” với trang trại 10.000 con bò và tổng công suất nhà máy chế biến là 10.000 tấn/năm.
Dự kiến trong quý IV/2024, sẽ ra mắt sản phẩm chính thức, đem về doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2025 và khoảng 3.000 tỷ trong năm 2029, với biên lợi nhuận gộp cho mảng thịt bò sẽ đạt khoảng 15% ở năm 2029.
Trong nửa cuối năm 2024, VNM sẽ hoàn thiện nhận diện mới cho các sản phẩm còn lại trong danh mục. Bên cạnh đó, VNM cũng vừa ra mắt 3 dòng sản phẩm cải tiến trong quý II/2024 bao gồm sữa đặc Ông Thọ 1 lít với nắp nhựa và sữa thực vật giàu protein nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài ra, Công dự kiến sẽ nghiên cứu thêm các thức uống giàu protein để mở rộng thêm tập khách hàng trong độ tuổi vị thành niên và trung niên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận