24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thế Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu TTF nổi sóng, nhưng rủi ro huỷ niêm yết vẫn treo lơ lửng

Sau nhiều năm đì đẹt, cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã trở lại mệnh giá, đúng như tuyên bố hồi năm 2019 và lời hứa lặp lại tại ĐHCĐ thường niên 2021 của ông Mai Hữu Tín.

Cổ phiếu TTF bứt phá, lời hứa của ông Mai Hữu Tín được thực hiện

Lần cuối cùng cổ phiếu TTF giao dịch ở mức giá tham chiếu đã cách đây hơn 5 năm (20/9/2016). Từ đó, cổ phiếu TTF có chuỗi ngày giao dịch lẹt đẹt và mất dần giá trị, theo kết quả kinh doanh bết bát và những scandal của Công ty. Thậm chí, trong năm 2019, có thời điểm cổ phiếu này đã xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

Lúc đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF tuyên bố, đã giải được bài toán giấu lỗ sau nhiều năm và có niềm tin thị giá TTF sẽ nhanh chóng về mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn giao dịch đì đẹt dưới ngưỡng 3.000 đồng trong phần lớn của năm 2019, thậm chí đầu năm 2020, cổ phiếu TTF còn về dưới mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với việc bất ngờ kinh doanh có lãi trở lại trong 3 quý đầu năm 2020, cổ phiếu TTF đã có sóng tăng mạnh từ mức dưới 2.000 đồng lên trên 8.000 đồng/cổ phiếu vào 20/10/2020.

Dù vậy, không thể về mệnh giá như tuyên bố của ông Mai Hữu Tín mà giao dịch bấp bênh như hoạt động của Công ty. Sau 3 quý đầu năm báo lãi, TTF quay lại lỗ trong quý IV/2020 khiến giá cổ phiếu này giảm trở lại, mất gần nửa giá trị về vùng giá 4.500 đồng/cổ phiếu vào tháng 2/2021.

Trong ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra vào tháng 4/2021, khi cổ phiếu đang ở vùng giá 7.000 đồng, HĐQT TTF trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu 10.000 đồng, trước thắc mắc của cổ đông, ông Mai Hữu Tín một lần nữa cam kết cổ phiếu TTF sẽ về mệnh giá 10.000 đồng trong thời gian sớm.

Sau đó, cùng với đợt tăng mạnh của thị trường, TTF cũng tăng trở lại, nhưng trong khi nhiều cổ phiếu thị giá tương tự như TTF khác như FLC, HSG vượt qua mệnh giá, thì TTF không thể qua đỉnh cũ 8.000 đồng.

Tuy nhiên, bắt đầu bước vào tháng 10/2021, TTF bắt đầu có đà tăng mạnh từ 7.090 đồng/cổ phiếu (đóng cửa ngày 1/10), lên 10.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 11/11, tương ứng mức tăng 45,3%. Trong đó, riêng phiên 11/11, cổ phiếu này tăng kịch biên độ, xác lập đỉnh hơn 5 năm, vượt hẳn lên trên đường trung bình MA20, qua cả dải trên bollinger band với thanh khoản cao, gần 16,7 triệu đơn vị. Nếu so với đầu năm, cổ phiếu TTF tăng 68,8%, còn so với mức đáy trong năm, cổ phiếu này đã tăng tới hơn 140%.

Như vậy, tuyên bố đưa cổ phiếu TTF về mệnh giá lúc thị giá cổ phiếu khoảng 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu của ông Mai Hữu Tín từ năm 2019 đã trở thành hiện thực.

Cổ phiếu TTF nổi sóng, nhưng rủi ro huỷ niêm yết vẫn treo lơ lửng

Diễn biến giá cổ phiếu TTF

Việc cổ phiếu TTF tăng mạnh vừa qua ngoài sóng chung của thị trường, còn do những thông tin đến từ doanh nghiệp.

TTF chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong suốt quý III, Công ty hoạt động sản xuất "3 tại chỗ" với chi phí tăng, năng suất giảm, ảnh hưởng tới việc đáp ứng đơn hàng.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán rằng, thời điểm Bình Dương giãn cách xã hội, Công ty chỉ có 25% số công nhân làm việc, công suất chỉ bằng 25%, trong khi mọi chi phí đều tăng cao, gồm phí xét nghiệm cho người lao động theo quy định, chi phí an ninh, ăn, ở, điện, nước cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”. Chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cũng tăng, chủ yếu do vận chuyển quá khó khăn.

Tuy nhiên, trở lại trạng thái bình thường mới, TTF có điều kiện nâng cao công suất và đẩy mạnh đơn hàng khi gỗ xuất khẩu đang vào mua cao điểm cuối năm. Từ đầu năm 2021, lượng đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu tăng mạnh do kinh tế ở các nước này phục hồi và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Hầu hết các nhà máy sản xuất gỗ nội thất đã sớm kín đơn hàng cho năm 2021 và cả năm 2022.

Thêm thông tin hỗ trợ nữa cho cổ phiếu TTF là ông Võ Quốc Lợi, con trai bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm) và hiện đang là thành viên HĐQT TTF vừa mua vào 1 triệu cổ phiếu TTF, nâng tỷ lệ nắm giữ lên hơn 1,3 triệu cổ phiếu. Ông Lợi cũng vừa đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long.

Ngoài ra, ngày 3/11, HĐQT TTF đã thông qua quyết định đầu tư gần 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) để nắm 20% vốn điều lệ Công ty Natuzzi Singapore PTE. Ltd có trụ sở đặt tại Marina Bay Financial Tower 1, Singapore.

TTF cho biết, mục đích đầu tư là nhằm xây dựng thương hiệu và mở rộng sự hiện diện của các sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam ra thế giới.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Cổ phiếu TTF đã có chuỗi tăng ấn tượng, về lại mệnh giá sau hơn 5 năm đúng như lời hứa của "vua giải cứu" Mai Hữu Tín, nhưng những nhà đầu tư đua sóng TTF cũng nên nhìn nhận những yếu tố tiềm ẩn rủi ro của cổ phiếu này.

Theo đó, TTF bị đưa vào diện kiểm soát kể từ 6/5/2019 và hiện tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát do lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2020 là 3.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2021 là âm 553 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2021 của TTF có lãi nhưng Công ty đang lỗ lũy kế lớn tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu TTF.

Theo báo cáo tài chính quý III/2021, trong quý III, TTF ghi nhận doanh thu 343,5 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế hơn 1 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, TTF có doanh thu 1.111 tỷ đồng (tăng 35%), lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng (giảm 79 %) so với cùng kỳ.

Tính đến 30/9/2021, TTF có tổng tài sản là 2.544 tỷ đồng tăng 14% so với đầu năm do hàng tồn kho tăng 17% và tiền gửi tăng mạnh 81%. Vốn chủ sở hữu âm 552 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính đến 30/9/2021 của TTF là 3.097 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là số tiền người mua trả trước với gần 1.197 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý III/2021, TTF đã phát sinh khoản vay tín chấp ngắn hạn 102 tỷ đồng từ ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT với mức lãi suất 12%/năm. Ngoài ra, Công ty còn phát sinh khoản vay dài hạn hơn 11,5 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Bình Dương với lãi suất 11%/năm, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Do hai khoản vay nêu trên, tổng nợ vay của TTF ghi nhận hơn 732 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm.

Cổ phiếu TTF có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty có vốn chủ sở hữu là số âm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.00 -0.01 (-0.33%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả