menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo Toàn

Cổ phiếu thủy sản: kẻ lên người xuống

Trong khi giá cá tra trong nước xuống thấp kỷ lục 10 năm gần đây, chỉ còn tầm 20.000 đồng/ki lô gam và người nuôi cá tra đang chịu lỗ do cung vượt cầu, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng phân hóa mạnh mẽ, tất cả phụ thuộc vào đầu ra tức thị trường xuất khẩu.

Cổ phiếu thủy sản: kẻ lên người xuống

Nguồn: Vasep

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), sau sự bứt phá kinh doanh thành công năm ngoái, tiếp tục báo lãi ròng tăng 110% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay. Báo cáo tài chính bán niên của ACL cho thấy mặc dù doanh thu giảm nhẹ nhưng nhờ tiết giảm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, nên lợi nhuận sau thuế cải thiện đáng kể. Ngoài thị trường Trung Quốc, các quốc gia Trung Đông, ACL đang tích cực đưa hàng vào Mỹ qua kênh siêu thị WalMart. Với quy mô trung bình, chỉ tập trung vào kinh doanh cốt lõi, ACL là cổ phiếu MidCap có thể đầu tư trung, dài hạn hứa hẹn lợi nhuận cho những ai nắm giữ nó.

Giá cá tra giảm, về cơ bản, có lợi cho nhà xuất khẩu do giá vốn bán hàng đi xuống. Tuy nhiên quan trọng nhất với ngành hàng này vẫn là thị trường tiêu thụ. Tháng 5-2019 khi Mỹ công bố thuế chống bán phá giá quá cao đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra mà điển hình là Thủy sản Hùng Vương (HVG), HVG và nhóm công ty con đã không gượng dậy được. HVG phải tiếp tục thanh lý tài sản, bán những công ty con cốt lõi còn lại để trả nợ vay. Sau khi giải quyết khối nợ khổng lồ, ngay cả khi được ngân hàng tài trợ vốn lần nữa, Hùng Vương phải xây dựng lại thị trường xuất khẩu một cách cẩn trọng với quyết tâm cao. Trước mắt HVG chưa thể đặt chân vào lại thị trường Mỹ, còn thị trường Trung Quốc cũng đang chật chội vì hàng trăm công ty Việt xuất cá tra vào đây, bên cạnh đó Trung Quốc đòi hỏi ngày càng cao về xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Thị giá cổ phiếu HVG hiện chỉ còn 3.300 đồng, thấp nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị.

Vấn đề đặt ra cho không ít nhà xuất khẩu thủy sản là vì sao một công ty như Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) từ nhiều năm nay luôn được hưởng thuế suất xuất khẩu vào Mỹ ở mức 0%. Có cách gì để nhân rộng phương thức làm ăn giữ được thị trường như vậy? Sau khi doanh số xuất khẩu có phần chững lại trong những tháng đầu năm, tháng 6-2019 ghi nhận sự tăng trưởng trở lại của Vĩnh Hoàn khi giá trị xuất khẩu tăng 74% so với tháng trước đó và tăng 23% so với cùng kỳ. Sự phục hồi tiếp diễn trong tháng 7-2019 và nhiều khả năng duy trì được mức cao trong nửa cuối năm. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, nguyên nhân chững lại của VHC những tháng đầu năm xuất phát từ việc chờ đợi của nhà mua hàng Mỹ trước khi có quyết định chính thức về kết quả điều tra chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời có sự gia tăng lượng hàng tồn kho cá rô phi Trung Quốc trước khi Mỹ áp thuế với mặt hàng này. Dẫu thế doanh thu xuất khẩu nửa đầu năm của VHC theo báo cáo tài chính bán niên 2019, vẫn xấp xỉ cùng kỳ, đạt 158 triệu đô la Mỹ.

Với Thủy sản Minh Phú (MPC), nhà xuất khẩu tôm số 1 Việt Nam và thế giới, nửa đầu năm không phải là thời điểm kinh doanh thuận lợi. Doanh số xuất khẩu năm tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 225 triệu đô la Mỹ, giảm 0,42% so với cùng kỳ và mới thực hiện được một phần tư kế hoạch năm. Mỹ vẫn đang là thị trường trọng tâm của Minh Phú với tỷ trọng xuất khẩu 43%. Đầu tháng 6 vừa qua, MPC công bố đã nhận được thông tin về việc một nghị sĩ Mỹ gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với công ty. MPC bị cáo buộc có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất vào Mỹ với xuất xứ Việt Nam. Sau cáo buộc này hội đồng quản trị Minh Phú đã họp và điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế tới 38% so với chỉ tiêu đề ra. Trên sàn cổ phiếu MPC đã giảm một mạch từ 46.000 đồng về 32.000 đồng trước khi biến động trở lại quanh 35.000 đồng.

Theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay của cả nước đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ, tăng nhẹ so với nửa đầu năm ngoái. Nhìn từ kết quả kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết, lĩnh vực này đang chịu nhiều tác động từ bên ngoài và nguy cơ bị áp thuế từ các thị trường lớn vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Các công ty khác như ANV, FMC, Aquatex Bentre, Thủy sản Cà Mau, Thủy sản 4, Seaprodex... sẽ công bố báo cáo tài chính những ngày tới. Trừ những công ty có thị trường xuất khẩu ổn định, không loại trừ sẽ còn có thêm bất ngờ cho con cá tra và tôm trên sàn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả