Cổ phiếu PLX áp sát đỉnh lịch sử
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex- PLX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 khả quan, kéo theo giá cổ phiếu tăng cán mốc đỉnh trong vòng 01 năm qua.
Phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu PLX tăng mạnh cán mốc 40.200 đồng/cp với khối lượng giao dịch lên tới hơn 2,1 triệu đơn vị. Trong mấy ngày qua khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu PLX. Riêng ngày 9/5 khối này mua vào 414 nghìn đơn vị. Vậy lý do nào khiến cổ phiếu PLX tăng mạnh như vậy?
PLX vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% so với cùng kỳ đạt 75.106 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 4.669 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, PLX ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.441 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của PLX đạt 1.133 tỷ, tăng 70% so với cùng kỳ.
Theo Ban Lãnh đạo PLX cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 là do hoạt động kinh doanh xăng dầu, có lãi còn lại hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Tập đoàn ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Điểm nhấn trong quý I/2024 của PLX là lãi lớn là do nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm. Bên cạnh đó nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch
Một mảng nữa, đó là lợi nhuận hoạt động tài chính của PLX cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do doanh nghiệp nhận cổ tức được chia. Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của PLX đạt 80.732 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng khoảng 25.086 tỷ đồng, giảm 3.530 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của PLX ở mức 50.419 tỷ đồng, giảm 54 tỷ đồng so với đầu năm, tổng nợ vay ở mức 16.624 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 30.313 tỷ đồng.
Báo cáo của SSI Research kỳ vọng năm 2024, PLX sẽ có cơ hội giành thêm thị phần, nhờ việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu. Đánh giá về PLX, SSI Research cho biết, trong năm 2024, triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có thể sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn. Theo đó, sự kiểm soát chặt chẽ thị trường xăng dầu tạo dư địa cho PLX phát huy thế mạnh.
Hiện đã có 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động do thiếu các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu (chỉ còn lại 34 doanh nghiệp đầu mối). Quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Được biết, những thay đổi trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu năm 2024 Bộ Công Thương mới trình Chính phủ dự thảo lần 2 sửa đổi và vẫn chưa có ban hành chính thức.
Tuy nhiên, dự thảo có những nội dung mới, những đề xuất theo các chuyên gia sẽ tác động lớn ngành xăng dầu. Trong đó, đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Theo đó, cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ tiến gần hơn với cơ chế thị trường. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức. Thương nhân có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại Nghị định. Giá bán xăng dầu tối đa = Giá xăng dầu thế giới x tỷ giá ngoại tệ + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho PLX và các doanh nghiệp được cởi trói và tự quyết.
Bên cạnh đó, PLX cũng có thể được hưởng lợi từ việc Chính phủ yêu cầu các đại lý bán lẻ phát hành hóa đơn điện tử cho từng giao dịch nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành xăng dầu Việt Nam. Hiện tại theo ước tính mới chỉ có khoảng 36% trong số 17.000 đơn vị bán lẻ trong nước phát hành hóa đơn điện tử vào đầu tháng 2. Các cửa hàng xăng dầu không phát hành hóa đơn điện tử có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Trong khi đó, PLX là đơn vị tiên phong phát hành hóa đơn điện tử và đã triển khai hệ thống này tại 2.700 điểm bán lẻ của doanh nghiệp từ giữa năm 2023. Do đó, quy định mới có thể giúp doanh nghiệp giành thêm thị phần trong thời gian tới.
Tại ĐHĐCĐ 2024, PLX trình cổ đông thông qua kế hoạch sản lượng xăng dầu xuất bán là 13.033.200 (m3, tấn), giảm 9% so với năm trước. Chỉ tiêu doanh thu hợp nhất tương ứng 188.000 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch đạt 2.900 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả đạt được năm ngoái.
PLX hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 17.000 cửa hàng trên toàn quốc, chiếm hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cả nước. Năm 2023, sản lượng xăng dầu xuất bán của PLX đạt 14.395.011 (m3, tấn), cao hơn 11% so với kế hoạch. PLX ghi nhận doanh thu đạt 273.979 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022 nhưng vẫn vượt 44% so với kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm 2022 và vượt 22% so với kế hoạch. Với kết quả đạt được, HĐQT PLX sẽ trình cổ đông phê duyệt phương án trả cổ tức tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận năm 2023 thay vì 10% như kế hoạch ban đầu.
Đến 2030, tập đoàn phấn đấu đạt được 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; đến năm 2045 sẽ đạt 100% tỷ trọng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường. Do vậy, SSI khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu PLX cho mục tiêu 43.000-45.000 đồng/cp và cắt lỗ khi cổ phiếu này về ngưỡng 34.000 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận