Cổ phiếu PHP không "ngóc đầu" lên được vì đâu?
Dù tiềm năng lớn, song cổ phiếu PHP của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) vẫn không được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, PHP đạt doanh thu thuần hơn 499,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với quý 3/2018; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 129 tỷ đồng, giảm tới 29% so với cùng kỳ 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, PHP đạt doanh thu hợp nhất 1.583 tỷ đồng, tăng 6,5%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 372,9 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của PHP, sở dĩ lợi nhuận quý 3/2019 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là do công ty con của PHP là Cảng Hoàng Diệu được nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thành phố xây cầu Hoàng Văn Thụ, mang lại thu nhập 70 tỷ đồng trong quý 3/2018, trong khi năm 2019 không có khoản này.
Cảng Hải Phòng là cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Cảng được cổ phần hóa từ năm 2014 và có vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước do Vinalines nắm giữ, chiếm 92,56% vốn điều lệ.
Với vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, PHP có vốn điều lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp cảng biển trên 2 sàn chứng khoán. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn đang "ngủ yên", và công ty chưa có nhiều thay đổi về quản trị kể từ sau khi cổ phần hóa.
Tính đến phiên giao dịch ngày 12/11, cổ phiếu PHP vẫn dậm chận tại chỗ ở mức 10 ngàn đồng/cổ phiếu. Đánh giá về tiềm năng của cổ phiếu này, Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng hoạt động sản xuất chính của công ty là bốc xếp hàng hóa, cho thuê kho bãi, văn phòng, và hoạt động lai dắt, hỗ trợ tàu biển, kinh doanh dịch vụ (đại lý tàu biển, môi giới hàng hải, dịch vụ vận tải, cân, đếm hàng)...
Hiện PHP dẫn đầu thị trường khu vực phía Bắc (30% thị phần) và đứng thứ 2 cả nước (9% thị phần), sau Tân Cảng Sài Gòn (SNP). Hiện nay, PHP hiện có 03 cảng chính: Hoàng Diệu, Chùa Vẽ và Tân Vũ với tổng diện tích khoảng 2,1 triệu km2 và có cầu tàu dài nhất (21 cầu tàu) với tổng chiều dài gần 4.000m. Hiện cổ phiếu PHP đang giao dịch tại mức P/E = 8,72 và EPS là 1.204 đồng/cổ phiếu.
Trước đây, nhiều thông tin cho rằng quỹ đầu tư Vương quốc Oman đã nhiều lần lên tiếng muốn mua số lượng cổ phần nắm giữ của Vinalines để trở thành cổ đông chiến lược củaPHP. Nếu Oman trở thành cổ đông củaPHP, thì với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển của Oman (đã và đang đầu tư nhiều cảng biển lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Brazil),thì PHP có thể sẽ giải quyết được bài toàn quản trị và điều hành cảng biển, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do thủ tục hành chính còn vướng mắc nên đến nay thương vụ này đã chìm vào quên lãng. Do vậy, dù đã niêm yết trên sàn, song hoạt động kinh doanh của PHP vẫn không có nhiều khởi sắc, tư duy quản lý vẫn mang nặng tính Nhà nước. Đây chính là lý do mà cổ phiếu PHP không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
SBS cho rằng, ngành cảng biển đang được hưởng nhiều lợi thế từ chính sách, như việc áp dụng khung giá dịch vụ cảng biển mới vào đầu năm 2019; Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh (theo Quyết định 703/2019/QĐ-TTg ngày 7/6/2019) nhằm giúp tái cấu trúc, phát triển ngành logistics; được hưởng lợi từ các FTA và phần nào từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung...
Tuy nhiên, các cảng biển Việt Nam có quy mô nhỏ và trọng tải tàu thấp (dưới 80.000 DWT) như PHP... nên chỉ đóng vai trò là các cảng vệ tinh, là nơi trung chuyển hàng hóa. Hơn nữa, các cảng biển trong nước đang găp̣ phải khó khăn về giới hạn công suất. Do vậy, việc đầu tư tăng công suất tại các cảng biển đang gặp khó khăn về vốn, nên PHP nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành cảng biển nói chung sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận