Cổ phiếu phá đỉnh cùng giá vàng, triển vọng PNJ có còn rộng mở?
Cổ phiếu PNJ thu hút dòng tiền đầu tư trong bối cảnh ngành vàng trang sức đang có nhiều thuận lợi như giá vàng tăng cao, mùa cưới đến gần, kinh tế dần phục hồi...
Sau một thời gian đi ngang tích luỹ, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã có cú “vít ga tăng tốc” trong phiên 19/8, tăng kịch trần lên mốc cao nhất lịch sử là 104.900 đồng/cp.
Trước đó, lần gần nhất cổ phiếu PNJ vượt mức 100.000 đồng/cp là vào giữa tháng 4/2024, sau đó dao động trong vùng giá 92.000 – 98.000 đồng/cp trong nhiều tháng. Tính riêng trong 7 phiên gần đây nhất, cổ phiếu PNJ đã tăng 11%.
Với việc lên đỉnh về giá, vốn hóa của PNJ cũng lập kỷ lục hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm 2024.
Cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý diễn biến tích cực trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh và tình hình kinh doanh khả quan. Trong tuần trước, lần đầu tiên giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.500 USD/ounce và có thể sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới khi thời điểm dự kiến Fed hạ lãi suất đang đến gần.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu 21.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao nhất mà doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý này ghi nhận kể từ khi hoạt động.
Một điểm tích cực khác trong bức tranh tài chính của PNJ là số dư nợ vay đã giảm kỷ lục. Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ vay của PNJ chỉ còn dưới 250 tỷ đồng, giảm từ mức 2.100 tỷ đồng của đầu năm. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng giảm xuống chỉ còn 2,3%, mức thấp nhất từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Một lực đẩy khác cho cổ phiếu PNJ có thể tới từ việc "mùa cưới" tại Việt Nam đang tới gần, thường diễn ra từ tháng 8 đến tháng 2 Âm lịch năm sau.
Diễn biến cổ phiếu PNJ thời gian qua.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư phát hành đầu tháng 8 vừa qua, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của PNJ trong 2024-2025 có thể tăng lên 2.200 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2.570 tỷ đồng (tăng 16%), nhờ nhu cầu trang sức chung phục hồi và PNJ tiếp tục tăng thị phần.
Theo đơn vị phân tích, trong bối cảnh nhà nước tiến hành thanh tra hoạt động mua bán vàng, các công ty vàng nhỏ lẻ không chứng minh được nguồn gốc vàng sẽ phải đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh, PNJ sẽ có cơ hội lấy thêm thị phần và khẳng định vị thế đầu ngành.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS) thì dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2024 của PNJ ở mức 2.251 tỷ đồng và năm 2025 có thể tăng 15,6% so với cùng kỳ. “Trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi kỳ vọng công ty có thể tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhờ mùa lễ hội, mua sắm và sức mua người tiêu dùng có thể cải thiện trong 2025 khi bức tranh kinh tế khả quan hơn,” ACBS nêu nhận định trong báo cáo phát hành ngày 8/8 vừa qua.
Tuy nhiên, đơn vị phân tích cũng lưu ý rằng mức tăng trưởng của PNJ nửa cuối 2024 và năm 2025 sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi đóng góp chính của mảng bán lẻ. Sự tăng trưởng đột biến đến từ mảng vàng 24K khó có thể xảy ra do một số biện pháp hạ nhiệt thị trường của Chính phủ và các quy định về kinh doanh vàng cũng được thắt chặt hơn.
Doanh thu/cửa hàng theo tháng của PNJ (tỷ đồng).
Trong báo cáo cập nhật thị trường vàng trang sức phát hành cuối tháng 7/2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau giai đoạn giảm tốc 2020 – 2022, thị trường vàng trang sức đã phục hồi nhẹ trong năm 2023 theo đà phục hồi của kinh tế vĩ mô.
VDSC dự phóng thị trường trang sức giai đoạn 2023-2030 tăng trưởng với tốc độ 2,4%/năm. Tuy thu nhập khả dụng của người Việt Nam được dự báo tăng nhanh với tốc độ 7,7%/năm nhưng tỷ lệ chi tiêu cho trang sức/thu nhập khả dụng sẽ giảm từ 1,4% năm 2023 xuống 1% năm 2030 do Nhà nước tiếp tục kiểm soát thị trường này, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư với lợi suất hấp dẫn (chứng khoán, bất động sản) và xu hướng già hóa dân số khiến cho người dân ưu tiên chi tiêu cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống hơn nhu cầu làm đẹp và thể hiện vị trí xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận