Cổ phiếu NVL duy trì đà tăng ngắn hạn?
Doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng, đã giúp giá cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn địa ốc No Va (HoSE: NVL) duy trì đà phục hồi từ đầu quý 2/2020.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của NVL, doanh thu thuần của công ty đạt gần 710 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 874 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả lợi nhuận cao như vậy chủ yếu là nhờ doanh thu mảng tài chính. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính tăng rất mạnh đạt hơn 1.807 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh còn gần 365 tỷ đồng. Doanh thu tài chính chủ yếu là lãi từ việc NVL thoái vốn khỏi công ty con ghi nhận 1.705 tỷ đồng.
Chi tiết khoản doanh thu hoạt động tài chính của NVL
Kết quả này cũng đã diễn ra trong quý 1 năm 2020 khi doanh thu thuần suy giảm, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến, gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Thống kê 10 quý trở lại đây cho thấy, trong khi doanh thu thuần của NVL liên tục sụt giảm, thì doanh thu hoạt động tài chính tăng liên tục. Điều này cũng phản ánh tình hình thực tế của thị trường bất động sản (BĐS), nhất là phân khúc cao cấp đang gặp khó khăn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến những doanh nghiệp kinh doanh BĐS như NVL. Bởi để triển khai dự án, các doanh nghiệp BĐS chủ yếu phải vay vốn. Nếu bán được hàng nhanh, sẽ tạo được dòng tiền để trả nợ gốc và lãi vay, giảm được chi phí tài chính. Hoặc doanh nghiệp có thể thu trước tiền đặt cọc của khách hàng. Tuy nhiên với NVL, khoản thu này rất thấp, tính đến hết quý 2/2020, NVL có giá trị hàng tồn kho rất lớn 59.188 tỷ đồng BĐS đang xây dựng (bao gồm giá trị quỹ đất đang phát triển của Tập đoàn) nhưng lại mới thu được phần đặt cọc của khách hàng rất thấp. Cụ thể khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ghi nhận 1.245 tỷ đồng, trong khi thu được khoản tiền hợp tác đầu tư dự án rất lớn, đến cuối quý là 20.168 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được hoạch toán khi kết thúc dự án. Đó cũng là một cách giảm áp lực vay nợ của NVL.
Khoản tiền hợp tác đầu tư tăng mạnh trong quý 2
Tính đến hết quý 2/2020, dư nợ tín dụng của NVL là 38.088 tỷ đồng với vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 32% tổng dư nợ, đạt 12.394 tỷ đồng, nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 68% tổng dư nợ, đạt 25.694 tỷ đồng. Vì vậy, áp lực về dòng tiền của NVL sẽ càng lớn nếu không đẩy mạnh được việc bán sản phẩm tạo doanh thu thuần. Tuy nhiên cũng có điểm tích cực là, mặc dù vay nợ trong kỳ tăng, nhưng chi phí đi vay lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Có thể doanh nghiệp đã hưởng lợi từ chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu lãi suất thấp tiếp tục duy trì thời gian dài, thì rõ ràng đây là yếu tố rất có lợi cho các doanh nghiệp như NVL. Điều này thể hiện rõ khi NVL với uy tín và vị thế của mình liên tục phát hành các trái phiếu vay nợ có chuyển đổi với lãi suất bằng VND là khoảng 10%/năm và USD là 6,5%/năm. Tính đến cuối quý 2/2020, tổng giá trị lượng trái phiếu của NVL hơn 16.000 tỷ đồng. Các trái phiếu của NVL phát hành cả bằng VND và USD (thường là trái phiếu chuyển đổi). Do đó, NVL chịu áp lực về tỷ giá. Nói chung, tổng lượng vay lớn, đáo hạn dài nhất đến năm 2025 nên áp lực dòng tiền trong thời gian tới của NVL là rất lớn.
Với tình hình tài chính như vậy, cộng với việc doanh thu thuần liên tục sụt giảm thì trong ngắn hạn, lợi nhuận của NVL có lẽ sẽ tiếp tục trông chờ vào hoạt động tài chính, chuyển nhượng cổ phần công ty con hoặc bán dự án.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, cổ phiếu NVL giảm 0,62% đóng cửa ở mức 62.900đ/cp với khối lượng giao dịch khoảng gần 1,2 triệu đơn vị. Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo, đà tăng của cổ phiếu NVL có thể chững lại trong ngắn hạn, trừ khi ngành nghề kinh doanh cốt lõi tăng trưởng mạnh trở lại, hoặc doanh nghiệp này có nguồn thu lớn từ đầu tư tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận