[Cổ phiếu nổi bật tuần] NKG tăng hơn 10% trong tuần, bề nổi của “tảng băng chìm”
Cổ phiếu NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim tuần qua đã tăng 10%, tuy nhiên đây chỉ là một phần cho thấy những thay đổi trong nội tại doanh nghiệp.
Diễn biến của cổ phiếu NKG
Các cổ phiếu ngành thép đã có một năm giao dịch khá ảm đạm và có phần rơi vào sự quên lãng của nhà đầu tư. Ngoại trừ HSG bật lại được gần 35% từ vùng đáy, HPG (+1,44%) hầu như dậm chân tại chỗ sau 1 năm.
Dù vậy, vẫn có những nỗ lực cần phải theo sát ở nhóm cổ phiếu này. Trong tuần qua, cổ phiếu NKG đã tăng 10,16% lên 7.590 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, NKG đã có gần 2 năm giao dịch dưới MA200 và chỉ biết có giảm giá. Thậm chí, giá cổ phiếu NKG còn có lúc về 5.500 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến tăng ngay đầu năm 2020, hiện tại NKG chỉ còn kém thị giá cuối năm 2018 khoảng 4%. Trước mắt, NKG cần phải duy trì được thanh khoản tốt như các phiên gần đây. Bình quân 60 phiên gần nhất của cổ phiếu là 440 nghìn đơn vị, trong đó có nhiều phiên giao dịch gấp 2 lần mức này.
Lợi nhuận đang có đà phục hồi và cái bắt tay với SMC
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCSC), doanh số trong nước của NKG đã cải thiện trong thời gian gần đây. Tổng sản lượng các sản phẩm tấm thép mạ kẽm và ống thép bán ra của NKG đạt 500.200 tấn trong 9 tháng 2019, giảm 11% so với vùng kỳ nhưng doanh số trong nước tăng 11% phần nào bù đắp cho mức giảm 31% của doanh số xuất khẩu.
VCSC cho rằng tăng trưởng ổn định của doanh số trong nước một phần là do NKG chủ động giảm tăng trưởng doanh số nhằm duy trì khả năng sinh lời thông qua việc cắt giảm chi phí hoạt động, giảm nợ vay, cũng như tái cơ cấu mạng lưới chi nhánh bán lẻ của công ty.
Theo đó, VCSC dự báo doanh số trong nước đạt 4% trong năm 2019 và 2020 trong khi doanh số xuất khẩu năm 2020 đi ngang với tăng trưởng 2% từ mức cơ sở thấp trong năm 2019 (-25% so với năm 2018).
Với thị trường xuất khẩu, mới đây, vào ngày 16/12/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa quyết định NKG không thuộc danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế chống lấn tránh và không phải đóng tiền ký quỹ khi xuất khẩu các mặt hàng thép chống ăn mòn và thép cán nguội.
Hiện nay, thị trường lớn nhất của Nam Kim là khu vực các nước ASEAN, trong đó xuất khẩu sang Indonesia là nhiều nhất. Tại khu vực ASEAN, so với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng ngành, NKG đang được hưởng mức thuế có lợi hơn tại thị trường Malaysia và Thái Lan, nhờ đó mà có lợi thế hơn về xuất khẩu ở các thị trường này.
Công ty đang lên kế hoạch đầu tư 150 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) cho mảng ống thép khi công ty đã và đang hoạt động với khoảng 90% công suất cho sản phẩm này từ đầu năm 2019 đến nay. Với số dư tiền mặt hiện tại của NKG (tiền mặt và đầu tư ngắn hạn đạt 597 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2019) có thể đáp ứng khoản vốn XDCB này mà không cần chịu thêm khoản nợ dài hạn mới.
Cùng với các số liệu kinh doanh cải thiện, câu chuyện hợp tác của NKG với CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng đang được đặc biệt quan tâm. Hiện đang có nhiều dấu hiệu cho thấy 2 công ty này xích lại với nhau để đương đầu với áp lực cạnh tranh trong ngành thép.
Thông qua việc đưa ông Võ Hoàng Vũ, thành viên HĐQT của SMC vào ghế Tổng giám đốc của NKG, sự hiện diện của SMC đang ngày một rõ ràng. Hiện ông Vũ nắm 19,01 triệu cổ phiếu NKG, tương đương 10,45% cổ phần. Trong khi đó, SMC nắm 9,1 triệu cổ phiếu NKG, tương đương 5%.
Ở phía NKG, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang đang đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu lên 21,81 triệu cổ phiếu 11,99%, qua đó giúp cho cổ phiếu NKG trở nên cô đặc hơn.
Các diễn biến này là biểu hiện của sự hình thành của một liên minh hoặc một thương vụ M&A diễn ra một cách âm thầm và lặng lẽ(?).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận