[Cổ phiếu nổi bật tuần] Nhóm mía đường dậy sóng theo xu hướng giá hàng hóa
Có 2 cổ phiếu thuộc nhóm mía đường đã tăng tới hơn 30% trong vòng 1 tuần. Ngay cả cổ phiếu đầu ngành là SBT cũng tăng gần 18% là những biểu hiện cho thấy sóng mía đường đang hiện hữu.
Diễn biến các cổ phiếu mía đường
Trong khi thị trường đang còn chật vật để khắc phục hậu quả của COVID-19, các cơ hội thưa thớt xuất hiện trên thị trường nhưng với riêng nhóm cổ phiếu mía đường, thật khó tin rằng nhiều cổ phiếu đã tăng tới hơn 30% trong tuần vừa qua.
Cổ phiếu đầu ngành là SBT cũng đã tăng tới 17,77% trong khi các mã vốn hóa thấp như SLS tăng 32,21% lên 55.000 đồng/cổ phiếu còn KTS tăng 33,33% lên 11.200 đồng/cổ phiếu.
Xét về dòng tiền, SBT là cổ phiếu có thể đáp ứng được dòng tiền lớn khi cổ phiếu này thường xuyên giao dịch được trên 1 triệu cổ phiếu, riêng trong 2 phiên cuối tuần SBT còn giao dịch được trên 2 triệu cổ phiếu cho thấy nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch.
Trong khi đó, SLS hay KTS dù thanh khoản không nhiều nhưng cũng được nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực giao dịch hơn bình thường.
Giá đường ngắn hạn đang có sự hồi phục mạnh
Các diễn biến giá cổ phiếu trên đang này đang có sự cùng pha với sự hồi phục mạnh giá đường. Giá đường trên ICE, tính đến giữa tháng 2/2019, đã tăng 50% so với đáy 2019.
Đây cũng là điều đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kết hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo giá đường thế giới sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn do nguồn cung đường thế giới trong năm 2018/19 giảm khoảng 8%, còn khoảng 179 triệu tấn do:
(1) Diễn biến thời tiết xấu trong năm do hiện tượng El Nino sẽ diễn ra từ đầu năm tới mùa thu 2019 (với xác suất xảy ra lên tới hơn 80%) khiến sản lượng đường vụ 2018/19 sụt giảm tại các khu vực sản xuất và xuất khẩu đường lớn như EU (-12,7%), Ấn Độ (-3,6%) và Thái Lan (-3,5%).
(2) Xu hướng sản xuất ethanol từ mía làm giảm cung đường từ Brazil (-24,1%), đây là quốc gia sản xuất đường dẫn đầu thế giới vụ 2017/18.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cung đường thế giới sẽ phục hồi nhẹ, đạt 180,7 triệu tấn đường trong niên vụ 2019/20. Do ngành đường được dự báo tiếp tục tình trạng thặng dư, giá đường thế giới sẽ chỉ tăng nhẹ trong ngắn hạn.
Trong báo cáo đánh giá về ngành đường, Công ty chứng khoán FPT cũng cho rằng trong trung hạn, giá đường dự kiến sẽ phục hồi do nhu cầu gia tăng ở các quốc gia có mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp so với mức trung bình của thế giới (Châu Á và Châu Phi). Tuy nhiên, mức tăng sẽ khiêm tốn vì nguồn cung dự kiến sẽ vẫn dồi dào sau khi ngành đường thế giới trải qua những giai đoạn giá cao trong những năm gần đây.
Đây được cho là những nguyên nhân chính giúp cho kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành đường có sự cải thiện bất ngờ trong quý cuối năm 2019. Niên độ 2019-2020, SLS báo lãi quý II tăng 45,08% lên 21,86 tỷ đồng, KTS lãi gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, đạt 2,15 tỷ đồng còn SBT đảo chiều lãi 12,19 tỷ đồng trong khi cùng lỗ hơn 23 tỷ đồng.
Theo SLS giải trình, doanh thu tăng chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng. Trong đó, sản lượng đường và rỉ mật lần lượt tăng 28% và 33% so với cùng kỳ niên độ trước. Giá bán bình quân đường đạt 9,731 đồng/kg, tăng 1% lên 9.602 đồng/kg còn mật rỉ có giá bán bình quân là 1,867 đồng/kg, giảm 3%.
Dù vậy, vẫn cần theo dõi diễn biến giá đường thế giới trong thời gian tới bởi theo đánh giá của FPTS, giá đường trong nước có xu hướng phục hồi nhẹ vào các dịp cận kề Tết Trung Thu và Tết Nguyên đán, phục vụ cho nhu cầu sản xuất bánh kẹo đồ uống của các doanh nghiệp thực phẩm. Còn, ngành đường Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do áp lực từ đường lậu Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Và đặc biệt, hiệp định ATIGA sẽ có hiệu lực vào 01/01/2020 sẽ khiến các doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước có tâm lý chờ đường giá rẻ nhập chính ngạch từ Thái Lan. FPTS cho rằng giá đường trong nước tiếp tục đi ngang và ở mức trung bình từ 10.500 – 11.000 đồng/kg trong niên vụ 2019/20 và duy trì trên mức 9.000 đồng/kg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận