[Cổ phiếu nổi bật tuần] HSL: Cổ phiếu “bán giấy” hay “đậu thần” ngành nông sản?
Dù mới chỉ thành lập từ năm 2015, vốn điều lệ của HSL đã tăng lên gần 35 lần. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này đã giảm tới 13,73% tuần qua và sau một năm lên sàn đã mất 47%.
Mất giá mạnh sau một năm lên sàn
Chào sàn HOSE vào 10/5/2018 tại mức giá 16.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HSL của CTCP Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La đã tạo được một vài đợt sóng nhỏ khá đáng chú ý trong năm 2018. Cổ phiếu HSL lập đỉnh vào tháng 10/2018 tại mức giá 24.100 đồng/cổ phiếu.HS
Diễn biến giá cổ phiếu HSL trong gần 1 năm qua.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó cho đến nay, giá cổ phiếu này đã ngày càng sụt giảm gây thất thoát tiền cho nhà đầu tư. Tuần vừa qua, HSL đã giảm 13,73% xuống 8.800 đồng/cổ phiếu và còn cách không xa mức giá thấp nhất đạt được trong tháng 4.
Như vậy, sau gần 1 năm niêm yết trên HOSE, HSL đã mất 47% thị giá còn nếu tính từ đầu năm cổ phiếu này giảm 28%.
Điều này đã gợi nhớ lại cho nhà đầu tư về những trường hợp thất bại của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ sau lên sàn đã liên tục sụt giảm như NHP, ACM, G20, KVC, MTM. Ở các cổ phiếu này, thường có đặc điểm chung là ban lãnh đạo đưa doanh nghiệp lên sàn và sau đó liên tục bán cổ phiếu ra. Một số nhà đầu tư đã đưa ra quan điểm tiêu cực cho rằng đây là những cổ phiếu "rác", cổ phiếu "bán giấy".
Cho đến thời điểm hiện tại, một số cổ đông nội bộ của HSL dù bán ra chưa đáng kể nhưng cũng chưa có thông tin nào từ phía doanh nghiệp hay các cổ đông lớn sẽ mua vào cổ phiếu để ổn định giá.
Điều này, sẽ kiến cho số phận của cổ phiếu HSL trở nên mong manh, dễ phải chịu đựng tổn thương hơn trong giai đoạn tới.
Những dấu hỏi với một doanh nghiệp nông sản tăng trưởng thần kỳ trong 4 năm
Cần phải khẳng định rằng dựa trên các số liệu kinh doanh, HSL vẫn làm ăn có chiều hướng đi lên. Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần của HSL (chủ yếu từ ngô và sắn lát) tăng tới 41% so với năm 2017 đạt 313 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng 48% lên 35,1 tỷ đồng.
Ngay trong quý I/2019, doanh thu thuần tăng 63,7% lên 90,16 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế tăng 15% lên 9,16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch năm 2019, HSL có tham vọng sẽ đạt doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng. Cổ tức sẽ đạt 15%.
Tuy nhiên, HSL lại vẫn đang có một vài dấu hỏi trong hoạt động khiến nhà đầu tư thận trọng sẽ cần được giải đáp được khi ra quyết định đầu tư.
Đầu tiên, là việc quy mô vốn tăng vốn phi thường, không khác gì "hạt đậu thần" trong truyện cổ tích Jack và cây đậu thần. Công ty mới thành lập từ năm 2015 với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 năm, vốn điều lệ đã tăng 35 lần lên 157 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ năm 2019, Công ty sẽ còn tăng vốn lên gấp đôi, lên trên 315,5 tỷ đồng.
Kế hoạch sử dụng vốn theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Dưới quan điểm nhà đầu tư dài hạn, đây sẽ điều luôn được đánh giá khắt khe khi xem xét các cơ hội. Liệu quy mô vốn tăng lên có tương xứng với hiệu quả hoạt động kinh doanh? Doanh nghiệp non trẻ liệu sử dụng vốn hiệu quả khi huy động?
Cùng với đó, còn là những dấu hỏi về số liệu tài chính đang chưa thể làm an lòng nhà đầu tư. Đáng chú ý nhất là khoản mục khoản phải thu hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản.
Tỷ trọng khoản phải thu trên Tổng tài sản 4 quý gần đây.
Trong các quý vừa qua, khoản phải thu thường chiếm tới 30-50% tổng tài sản, qua đó đặt dấu hỏi về chất lượng doanh thu Công ty đã ghi nhận trong thời gian vừa qua.
Nguồn BCTC quý I/2019.
Một số nhà đầu tư tinh ý hơn còn hoài nghi về sự tin cậy của các doanh nghiệp "mua chịu" hàng của HSL do các doanh nghiệp này đều có tuổi đời non trẻ hơn cả HSL như Nông sản Lương Sơn thành lập vào tháng 9/2016, A&F thành lập tháng 10/2018, Hanco Việt Nam thành lập vào tháng 03/2017.
Đây sẽ là những vấn đề cần được có đáp án và cần được sớm giải quyết nếu Công ty muốn nhà đầu tư gắn bó với doanh nghiệp. Chỉ khi đó, giá cổ phiếu HSL mời có thể hồi phục và có được sự ổn định lâu dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận