Cổ phiếu ngành than: Sẽ có “độ trễ” với cơn sốt giá than thế giới!
Với “độ trễ” nhất định so với giá thế giới và cơ chế kiểm soát giá khác biệt, ngay trong năm 2021, nhóm cổ phiếu ngành than nhiều khả năng sẽ chưa thể hưởng lợi từ cơn sốt giá than trên thị trường thế giới thời gian vừa qua.
Giá than thế giới tăng phi mã
Thời gian gần đây, cơn sốt tăng giá của nhiều loại hàng hóa thế giới đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư tài chính. Mặt hàng than đá cũng không phải là ngoại lệ. Từ tháng 6-2021, giá than đá thế giới bắt đầu tăng phi mã từ mức 90 đô la Mỹ/tấn, đến nay đã xấp xỉ 240 đô la Mỹ/tấn; tức là tăng gấp 2,6 lần chỉ sau ba tháng.
Cơn sốt giá than được nhận định đến từ ba yếu tố chính.
Thứ nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc – Úc, dẫn đến các lệnh hạn chế nhập khẩu đã làm gián đoạn thị trường thương mại than. Lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc của Bắc Kinh cũng khiến nhu cầu và giá than tại những đối tác còn lại của Trung Quốc như Indonesia, Nga, Mông Cổ tăng đột biến, dẫn tới cơn sốt giá than trên diện rộng.
Thứ hai là hoạt động khai thác than tại nhiều nước đã bị ảnh hưởng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến nguồn cung hồi phục chậm. Đồng thời, việc xuất khẩu than cũng trở nên khó khăn khi giá cước vận tải tăng vọt và thiếu nhân lực để vận chuyển than đến cảng.
Lâu nay các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm.
Thứ ba, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm ngành than khi trong năm 2020 và 2021, Chính phủ nước này đã tái khởi động các chính sách cắt giảm công suất than bằng cách hợp nhất nhiều mỏ than và cắt giảm những mỏ than nhỏ có công suất dưới 600.000 tấn/năm ở tất cả các tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Trung Quốc đã tạm dừng thắt chặt công suất để ưu tiên hạ nhiệt giá than trong nước.
Kỳ vọng vào năm 2022
Khi giá thế giới tăng vọt, cổ phiếu ngành than – vốn là nhóm cổ phiếu khá trầm lắng và không có nhiều dấu ấn trên sàn chứng khoán – đã thu hút sự chú ý của dòng tiền, qua đó có sự bứt phá mạnh trong tháng 9 với nhiều phiên tăng trần.
Tính đến cuối tháng 9, nhóm cổ phiếu than như TC6 của CTCP Than Cọc Sáu, TVD của CTCP Than Vàng Danh, THT của CTCP Than Hà Tu, TDN của CTCP Than Đèo Nai đã tăng xấp xỉ 70-80% trong vòng một tháng, dù đã hạ nhiệt khoảng 20% so với mức giá đỉnh. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu than sẽ tiếp tục tăng mạnh khi lợi nhuận quí 3-2021 của doanh nghiệp được công bố và có sự cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ, tương tự như nhóm cổ phiếu phân bón, dầu khí, hoặc nhóm khai thác khí như GAS…
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là cơ chế hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp ngành than có sự khác biệt rất lớn khiến kỳ vọng về sự hưởng lợi từ giá thế giới có thể không trùng khớp với thực tế. Cụ thể, than là khoáng sản đặc biệt, lâu nay các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm.
Toàn bộ than khai thác được, các doanh nghiệp phải bán cho doanh nghiệp thương mại của ngành than, các doanh nghiệp thương mại này mới có chức năng xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời, định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều dù giá trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Ngoài ra, than khai thác trong nước chủ yếu là than cám, có giá và chất lượng thấp hơn, chứ không phải than đá – được dùng phổ biến trong sản xuất công nghiệp và là mặt hàng có giá tăng mạnh thời gian qua.
Cổ phiếu ngành than được nhận định sẽ cần thêm thời gian để duy trì được sóng tăng bền và ổn định.
Còn theo SSI Research thì giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Đáng chú ý, giá than trong nước thường chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.
Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với giá than thế giới. Với mức tăng trung bình 83% trong chín tháng đầu năm 2021, các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng trong ngành cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng lượng than sử dụng và Chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện.
Thực tế này được phản ánh khá rõ nét trong bức tranh lợi nhuận quí 3-2021 của một số doanh nghiệp than. Lấy ví dụ ở Than Vàng Danh, báo cáo ước thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh chín tháng năm 2021 cho thấy trong tháng 9, doanh thu của công ty đạt 413 tỉ đồng, thấp hơn kế hoạch bình quân tháng của năm 2021 là 503 tỉ đồng trong khi lợi nhuận chỉ đạt 2 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, Than Vàng Danh đạt 3.878 tỉ đồng doanh thu và 46,2 tỉ đồng lợi nhuận – thấp hơn 2 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Với cơ chế hoạt động và quản lý tương tự, các doanh nghiệp khai thác than khác trong hệ thống TKV dự kiến cũng có kết quả không quá đột biến so với các quí trước. Cụ thể, tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là TKV trong chín tháng đạt 94.600 tỉ đồng (tăng 2,1% so với cùng kỳ), nhưng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 29,6 triệu tấn (giảm 1,3% so với cùng kỳ) do tình hình giãn cách xã hội kéo dài và huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.
Còn trong nửa đầu năm nay thì tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp khai thác than niêm yết lần lượt chỉ đạt 10.600 tỉ đồng (giảm 1,7% so với cùng kỳ) và 115 tỉ đồng (giảm 8,2% so với cùng kỳ) dù giá than thế giới trong hai quí đầu năm nay cũng có mức tăng mạnh 50%.
Như vậy, với độ trễ nhất định so với giá thế giới và cơ chế kiểm soát giá khác biệt, ngay trong năm 2021, nhóm cổ phiếu ngành than nhiều khả năng sẽ chưa thể hưởng lợi từ cơn sốt giá than trên thị trường thế giới thời gian vừa qua.
Tuy vây, theo SSI Research, bước sang năm 2022 ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực hơn khi giá than trong nước dự kiến được điều chỉnh từ 10-15% do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Trên cơ sở đó, cổ phiếu ngành than được nhận định sẽ cần thêm thời gian để duy trì được sóng tăng bền và ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận