Cổ phiếu ngân hàng chuyển động ra sao trong tháng 10?
Tuy thanh khoản cổ phiếu ngân hàng có sự cải thiện đáng kể trong tháng 10, nhưng thị giá đa phần nghiêng về chiều giảm.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số VN-Index tăng 20.26 điểm, tương đương tăng 2% so với cuối tháng 09, đóng cửa ở mức 925.47điểm. Tuy nhiên, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/10 giảm nhẹ 1.65 điểm, tương đương giảm 1% so với cuối phiên 30/09, lùi về mức 251.49 điểm.
Vốn hóa ngân hàng sụt gần 18,550 tỷ đồng
Giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng đã bay gần 18,544 tỷ đồng, về mức 963,759 tỷ đồng (tính đến phiên 30/10), tương đương giảm 2% so với mức 982,303 tỷ đồng của phiên cuối tháng trước 30/09.
Nguyên nhân chủ yếu là do VIB (29/10/2020) và LPB (23/10/2020) đã hủy giao dịch trên sàn UPCoM để chuyển sang niêm yết trên HOSE. Đồng thời nhóm cổ phiếu ngân hàng đón nhận thêm cổ phiếu NAB và SGB giao dịch trên sàn UPCoM lần lượt vào ngày 09/10/2020 và 15/10/2020.
Trong đó, hơn 924 triệu cp VIB được dự kiến sẽ giao dịch trên HOSE từ ngày 10/11/2020 với tổng giá trị đăng ký niêm yết gần 9,245 tỷ đồng. Giá VIB tại ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 32,800 đồng/cp, trong khi giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE là 32,300 đồng/cp.
Phần LPB, cổ phiếu ngân hàng này sẽ bắt đầu giao dịch tại HOSE vào ngày 09/11/2020 với mức giá tham chiếu là 11,800 đồng/cp, tương ứng với giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm chào sàn HOSE là hơn 11,500 tỷ đồng.
So với mức giá tại ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 12,500 đồng/cp, giá chào sàn HOSE của cổ phiếu LPB đang thấp hơn 6%.
Với mức giá chốt phiên trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM là 16,000 đồng/cp, giá trị vốn hóa của NAB đã giảm 7% tại ngày 30/10, về mức 5,796 tỷ đồng.
Trong khi đó, cuối phiên giao dịch đầu tiên 15/10/2020 trên UPCoM, giá cổ phiếu SGB nằm sàn 15,500 đồng/cp, giảm 40% so với giá tham chiếu đầu tiên 25,800 đồng/cp. Không dừng tại mức đó, thị giá SGB tiếp tục rơi xuống mức 13,000 đồng/cp vào cuối phiên 30/10, tương đương giảm 16%, giá trị vốn hóa còn gần 4,004 tỷ đồng.
Về phía 3 “ông lớn” gốc Nhà nước, trong khi VietinBank (CTG) có vốn hóa tăng đến 9% thì vốn hóa Vietcombank (VCB) giảm 1% và BIDV (BID) giảm 6% so với cuối tháng trước.
Ở những ngân hàng cổ phần tư nhân, có 7/15 được ghi vốn hóa tăng so với phiên 30/9 bao gồm ACB (+7%), BAB (+1%), BVB (+14%), EIB (+1%), HDB (+1%), KLB (+7%), MBB (+4%).
Tăng mạnh nhất về vốn hóa là BVB với mức tăng 14% chủ yếu do thị giá BVB được cải thiện từ việc ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 76 tỷ đồng và hơn 60 tỷ đồng.
Thanh khoản TCB đứng đầu
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong tháng qua khá dồi dào khi đã có hơn 125 triệu cp/ngày được chuyển giao, tăng 60% so với tháng 9, tương ứng với giá trị giao dịch gần 2,653 tỷ đồng/ngày, tăng 77% so với tháng trước.
Techcombank (TCB) đã vượt Sacombank (STB) giành vị trí đứng đầu về thanh khoản với hơn 25 triệu cp/ngày được giao dịch trong tháng 10, gấp 3.26 lần tháng trước. Trong đó, TCB có khối lượng khớp lệnh bình quân đạt gần 22 triệu cp, gấp 7.69 lần tháng trước.
Ngày 14/10/2020 trước đó, giá cổ phiếu TCB chạm trần 22,850 đồng/cp, với khối lượng giao dịch khủng đạt gần 75 triệu cp, giá trị đạt gần 1,704 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất mà cổ phiếu TCB đạt được kể từ khi niêm yết tại HOSE.
Trước phiên tăng trần 1 ngày, TCB thông báo sẽ phát hành 4.8 triệu cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp, chiếm tỷ lệ 0.14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó có 482,129 cp dành cho người lao động nước ngoài và 4.3 triệu cp dành cho người lao động Việt Nam. Số cổ phiếu ESOP này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Diễn biến giá cổ phiếu TCB khởi sắc cũng đã từng diễn ra tương tự như giai đoạn của tháng 10 năm trước khi giá cổ phiếu TCB liên tục đi lên, chạm mốc 24,450 đồng/cp vào cuối phiên 16/10/2019, tăng 16% so với thời điểm Ngân hàng thông báo thực hiện phát hành 3.5 triệu cp ESOP.
Xét về giá trị tương đối, dù có thanh khoản được xếp hàng thấp nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng với thanh khoản tăng đột biến lên mức hơn 1 triệu cp, gấp 52.2 lần tháng trước, Kienlongbank (KLB) là nhà băng có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng 10.
Trong số các nhà băng có thanh khoản giảm: BAB (-68%), NVB (-13%), SHB (-16%), VCB (-22%), thì BAB là ngân hàng có thanh khoản giảm mạnh nhất, chỉ còn 110,292 cp/ngày được giao dịch trong tháng 10, giảm 68% so với tháng trước.
Khối ngoại bán ròng gần 1,060 tỷ đồng
Trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng gần 42 triệu cp ngành ngân hàng, trong khi tháng trước mua ròng hơn 9 triệu cp. Nếu tính theo giá trị giao dịch, khối ngoại mua ròng hơn 1,057 tỷ đồng, trong khi tháng trước mua ròng hơn 56 tỷ đồng.
VietinBank là nhà băng vừa có khối ngoại bán ròng mạnh nhất về khối lượng với hơn 24 triệu cp, vừa có giá trị bán ròng lớn nhất với hơn 675 tỷ đồng. Trong khi tháng trước ngân hàng có khối ngoại mua ròng hơn 27 triệu cp, với giá trị mua ròng gần 687 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BID, HDB, LPB, MBB, SHB, STB, TCB, VIB và VPB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng.
Riêng STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 2 triệu cp, giá trị mua ròng gần 32 tỷ đồng. Trong khi tháng trước, khối ngoại bán ròng hơn 3 triệu cp STB, giá trị bán gần 35 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận