Cổ phiếu nào “sáng cửa” trong giai đoạn này?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến đà bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng.
Diễn biến có lẽ khiến đa phần giới đầu tư chứng khoán phải thốt lên rằng, liệu khi nào đà bán ròng mới kết thúc, khi mà tháng cuối cùng họ nhìn thấy khối ngoại mua ròng đã diễn ra từ tháng 3/2023.
DÒNG VỐN FII SẼ QUAY LẠI TRONG 12 - 18 THÁNG TỚI
Tại một tọa đàm được tổ chức trực tuyến mới đây, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Khách hàng cao cấp Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE nhận định dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) thường chậm hơn so với vốn đầu tư trực tiếp (FDI) khoảng 2 năm.
Điều này nghĩa là, khi FDI giải ngân mạnh thì sau đó khoảng 2 năm thì dòng tiền FII sẽ đi sau, nhưng có tính chu kỳ. Hiện vốn FDI đang tăng trưởng đều từ đầu năm, và vẫn duy trì tích cực trong 3 năm gần đây.
Xu hướng bán ròng FII của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chất thời điểm. Bởi vì trong nhìn lại giai đoạn 2017-2019, khối ngoại đã mua ròng đáng kể, với lũy kế khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng. Sau đó, khối này đã có nhịp bán ròng vào 2020, khi Covid-19 xảy ra. Lượng bán ròng có nét tương đồng với thời điểm hiện tại 2024.
Ông Cao Minh Hoàng so sánh giữa hai thời điểm, thì hiện tại nội lực thị trường đã khác. Nền kinh tế vững chắc, tăng trưởng tốt, các chỉ số vĩ mô như GDP, tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Niềm tin vào sự điều hành Chính phủ tiếp tục gia tăng. Nền thanh khoản VN-Index đang rất cao so với 2 - 3 năm trước.
Hơn nữa, với nhóm nhà đầu tư nội, các F0 giai đoạn 2021 bây giờ đã trở thành Fn, lại ngày càng được trang bị thêm nhiều kiến thức, công nghệ. Họ cũng dần đầu tư có kỷ luật hơn trước. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp, trưởng thành của nhà đầu tư nội đã nâng lên. Dẫu khối ngoại có bán ròng nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang phát triển.
Để giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư khi nào dòng tiền ngoại “yêu lại từ đầu”, vị chuyên gia này phân tích, khi FDI vẫn tăng trưởng, FII sẽ quay lại. Thời điểm có thể là trong 12 - 18 tháng tới khi mặt bằng lãi suất của Fed có thể giảm 0,5 điểm cơ bản trong tháng 9. Lúc này, FII sẽ len lỏi ở các thị trường có định giá phù hợp.
Đại diện DNSE cũng đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư không nên chờ tới thời điểm cổ phiếu “rẻ” như giai đoạn đầu Covid-19, hay sự kiện Vạn Thịnh Phát để tất tay, vì không ai đoán được khi nào diễn ra, có thể phải 2-3 năm nữa cũng chưa chắc. Hiện việc đầu tư chứng khoán ở chiến lược trung dài hạn hoàn toàn có thể đem lại mức lợi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, và phải chọn đúng cổ phiếu.
Dưới góc nhìn của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, câu chuyện khối ngoại bán ròng trong thời gian qua là xu hướng chung của tất cả ở các quốc gia mới nổi chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự dịch chuyển dòng vốn trở lại các quốc gia phát triển, trong đó điển hình là Mỹ.
Điều này đến từ yếu tố tỷ giá, bởi nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nắm giữ nhiều tài sản định giá bằng đồng VND khi VND sẽ giảm giá đáng kể 5-7% so với USD, dẫn đến việc bán tháo là điều chắc chắn. Đây cũng là diễn biến chung tại các thị trường khác như Nhật Bản hay các nền kinh tế tương tự như Việt Nam.
Thứ hai, yếu tố hấp dẫn hơn là lãi suất tại các thị trường phát triển đạt mặt bằng chung khoảng 5-7%, tốt hơn nếu so với Việt Nam. Từ đó, kết hợp với rủi ro tỷ giá, việc rút ròng của FII là điều hiển nhiên.
Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá “rẻ”, ảnh hưởng từ việc nhóm ngân hàng chỉ có P/E khoảng 7 lần, trong khi đây là nhóm vốn hóa lớn. Nếu loại bỏ ngân hàng ra, P/E của thị trường có thể cao hơn.
Một điều cần lưu ý nữa là khối ngoại cũng nhìn vào động lực trưởng lợi nhuận của thị trường trong tương lai để đánh giá. Quan sát kỹ hơn vào nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng thuộc rổ VN30, kể đến như Hòa Phát, Vinamilk, MWG... thì tiềm năng tăng trưởng 2-5 năm tới vẫn chưa rõ ràng.
Ông Báu dự báo khoảng 6 - 9 tháng tới, những yếu tố bất lợi nêu trên sẽ được cải thiện nhờ những “cơn gió ngược” như lãi suất tại Mỹ có thể giảm và kỳ vọng đồng VND sẽ tăng. Cùng với đó, lợi nhuận toàn thị trường đang ghi nhận tăng trưởng khoảng 17 - 18%, kéo theo định giá sẽ hấp dẫn hơn.
CỔ PHIẾU NÀO “SÁNG CỬA” TRONG GIAI ĐOẠN NÀY?
Đà bán ròng mạnh của khối ngoại đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến dòng tiền trong nước trở nên thận trọng. Bên cạnh việc câu chuyện khi nào vốn ngoại quay trở lại với thị trường chứng khoán thì việc lựa chọn cổ phiếu tiềm năng để “kê cao gối ngủ ngon” trong thời gian tới là điều mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Về vấn đề này, ông Cao Minh Hoàng cho rằng, với mức định giá hiện tại, nhà đầu tư có thể giải ngân nhưng chọn doanh nghiệp có tăng trưởng ít nhất 20%/năm. Hoặc có thể đợi định giá xuống thấp hơn để mua nhưng có thể sẽ phải chờ đợi lâu. Do đó, nhà đầu tư có thể chia thành một phần mua ngay với doanh nghiệp tốt và một phần đợi đến khi định giá xuống thấp để giải ngân. Nếu đợi, nhà đầu tư có thể phải đợi 2 - 4 năm.
Ở thời điểm hiện tại, có thể mua các nhóm như ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, cảng biển và vận tải biển cũng là nhóm cổ phiếu tiềm năng. Khi tương quan giữa các nền kinh tế lớn tương đương nhau sẽ có một số diễn biến địa chính trị dẫn tới đứt gãy nguồn cung làm giá cước vận tải lên cao.
“Kế đến là nhóm đầu tư công. Ngoài ra là nhóm dầu khí với khối lượng công việc lớn trong 3 - 4 năm tới. Nhưng khi mua nhóm này thì phải xác định đây là thời điểm khó và kết quả sẽ xuất hiện trong 1 - 3 năm”, ông Hoàng chia sẻ.
Một ý kiến khác, ông Hồ Sĩ Hòa, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE lại chọn nhóm bất động sản khu công nghiệp và bảo hiểm. Bởi nhóm bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam. Trong khi đó, nhóm bảo hiểm đang có định giá rẻ, nhiều công ty có PB quanh mức 1 đồng thời lãi suất huy động có khả năng tăng trong 6 tháng cuối năm sẽ hỗ trợ nhóm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận