Cổ phiếu nào áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng trong danh mục của Pyn Elite Fund?
Pyn Elite Fund - quỹ ngoại đến từ Phần Lan vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 3 với hiệu suất đầu tư đạt 2,57% trong khi VN-Index tăng 2,5% nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tính đến cuối tháng 3, quy mô tài sản quản lý của quỹ ngoại này lên đến 805,7 triệu EUR (~21.800 tỷ đồng).
Tính chung, Pyn Elite Fund đã có tháng thứ 5 liên tiếp ghi nhận hiệu suất dương. Hiệu suất đầu tư luỹ kế từ đầu năm 2024 đến cuối quý I của quỹ ngoại này đạt 15,34% khả quan hơn so với mức tăng 13,6% của VN-Index trong cùng thời kỳ.
Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng vẫn áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng trong danh mục của Pyn Elite Fund. Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 14,6% tương ứng giá trị 117,6 triệu EUR (~3.200 tỷ đồng). Ước tính, quỹ ngoại này nắm khoảng 100 triệu cổ phiếu STB vào cuối tháng 3.
Cổ phiếu STB chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite Fund.
Pyn Elite Fund cho biết việc đầu tư lớn vào cổ phiếu của Sacombank lý do là bởi nhà băng này sẽ có thể tiếp tục hoạt động thu nhập "bình thường" sau nhiều năm tái cơ cấu tài sản...
Vào đầu tháng 2/2024, đại diện Sacombank cho biết sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong nửa đầu năm 2024, trước thời hạn đề ra là năm 2025.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống chỉ còn 3,5%.
Đồng thời, Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.
Nhà băng này cũng dự kiến bán đấu giá 32,3% cổ phiếu STB hiện đang được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ tại VAMC và có thể đem lại lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng. Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại và bán đấu giá, phấn đấu trong quý IV/2024 sẽ đấu giá thành công.
Theo đánh giá mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, biên lãi ròng (NIM) của Sacombank trong năm nay sẽ tiếp tục được mở rộng. Trong năm ngoái, Sacombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận sự cải thiện về NIM.
Được biết, năm nay, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Nguồn vốn huy động theo kế hoạch sẽ đạt 636.600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với thời điểm cuối năm ngoái, trong khi tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. HĐQT sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước.
Sacombank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm tăng 10%, đạt mức 724.100 tỷ đồng.
Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn hơn 5.700 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là gần 12.700 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối của Sacombank lên tới gần 18.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm nay tiếp tục không đề cập đến việc chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của Sacombank là năm 2015, với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.
Trên một diễn biến khác, mới đây, Sacombank đã bị ảnh hưởng bởi tin đồn liên quan đến Chủ tịch Dương Công Minh, khiến cho lượng giao dịch cổ phiếu STB trên sàn HoSE tăng kỷ lục. Bộ Công an cũng đã có phản hồi các đồn đoán xung quanh Chủ tịch Sacombank là sai sự thật.
Dù vậy, giá cổ phiếu STB cũng được quan tâm đặc biệt những ngày qua. Chốt phiên 8/4, giá cổ phiếu STB dừng ở mức 29.000 đồng/cp, tăng 6% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân trên 22 triệu cổ phiếu/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận