24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu mía đường có cơ hội nhờ bình đẳng thương mại

Theo nhận định của giới chuyên môn, quyết định của Bộ Công thương về áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ tạo công bằng thương mại giúp tăng giá bán đường cũng như biên lợi nhuận cho tất cả mọi doanh nghiệp.

Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% cho mía đường nhập từ Thái Lan trong thời gian 5 năm. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Ước tính mỗi năm, Thái lan chi ra hơn 700 triệu USD sử dụng cho mục đích trợ giá để bù đắp cho ngành này khi giá đường trên thế giới sụt giảm; trong đó, người trồng mía được thanh toán trực tiếp mỗi năm khoảng 500-525 triệu USD. Kết quả là lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam ghi nhận lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% chỉ trong năm ngoái.

Ngược lại, ngành sản xuất mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn. Trong niên độ 2019-2020, sản lượng đường sản xuất của Việt Nam chỉ đạt 0,75 triệu tấn, giảm khoảng 37% cùng kỳ do diện tích trồng mía giảm mạnh hơn 40% từ 255.000 ha xuống còn khoảng 150.000 ha. Nguyên nhân do nhiều khó khăn từ biên lợi nhuận thấp, thời tiết bất lợi và cạnh tranh khốc liệt với đường nhập lậu.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chỉ 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt khoảng 5,3 triệu tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Trong khi nhu cầu của thị trường ở mức 2 triệu tấn/năm và mục tiêu tăng lên mức 2,5 triệu tấn vào năm 2025.

Việc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với đường nhập khẩu đã trả lại cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho mía đường trong nước với đường nhập khẩu và là một tín hiệu vui với người nông dân trồng mía cũng như các doanh nghiệp mía đường. Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), kể từ khi áp thuế sơ bộ (tháng 2/2021), việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%). Giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân cũng tăng theo.

Đối với mía đường Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, doanh thu thuần dự phóng cho niên độ 2020-2021 ước đạt 14.673 tỷ đồng, tăng 13,8% và lợi nhuận sau thuế 417 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Niên độ 2021-2022, tốc độ tăng trưởng có thể còn mạnh mẽ hơn sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi sau đại dịch, riêng thị trường trong nước sẽ có sức cạnh tranh với đường nhập khẩu nhờ vào chính sách mới, đi cùng giá bán tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao.

SBT là doanh nghiệp sản xuất mía đường lớn nhất của Việt Nam với thị phần đạt hơn 46% trong nước. Công ty sở hữu gần 64.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngoài ra, SBT đang sở hữu 9 nhà máy trong đó 8 nhà máy được đặt tại Việt Nam và 1 nhà máy được đặt tại Lào. Tổng công suất thiết kế của 9 nhà máy đạt 4.250 tấn đường/ngày và 37.500 tấn mía ép/ngày. Trong đó, công suất sản xuất đường tinh luyện ước đạt 2.000 tấn/ngày.

Với Công ty đường Quảng Ngãi (QNS) triển vọng cũng khá sáng. Nếu như doanh thu mảng đường năm ngoái sụt giảm 33,1% khi chỉ đạt 994,1 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cũng giảm 3,2%. Thì trong phần còn lại của năm nay, theo nhận định của chứng khoán VCBS, giá đường sẽ phục hồi cao nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi giúp gia tăng năng suất. VCBS ước tính mảng đường của QNS sẽ đạt doanh thu 1.511,8 tỷ đồng trong năm nay, đi cùng với biên lợi nhuận gộp sẽ tăng mạnh lên 9,5%.

Theo nhận định của giới chuyên môn, quyết định của Bộ Công thương về áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ tạo công bằng thương mại giúp tăng giá bán đường cũng như biên lợi nhuận cho tất cả mọi doanh nghiệp.

Trong dài hạn, động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành này là cơ hội xuất khẩu sản phẩm đường chất lượng cao sang thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực với thuế suất cạnh tranh. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ Trung Quốc được dự báo tương đối ổn định nhờ tiêu dùng được dự báo tăng trở lại mức trước dịch Covid-19 và dự trữ dự kiến giảm năm thứ 6 liên tiếp khi Chính phủ quốc gia này không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích trữ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
50.30 -0.30 (-0.59%)
12.05 +0.25 (+2.12%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả