Cổ phiếu Lộc Trời lần đầu xuống dưới mệnh giá, vì đâu nên nỗi?
Cổ phiếu Tập đoàn Lộc Trời lao dốc từ tháng 7/2023 khi các bất cập dần lộ diện. Doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng tài chính khó khăn, dòng tiền thiếu hụt.
Phiên ngày 10/10, cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời giảm hết biên độ xuống 9.900 đồng/cp – lần đầu xuống dưới mệnh giá trong lịch sử giao dịch.
Nhìn lại, cổ phiếu LTG đã giảm giá miệt mài từ vùng 40.000 đồng/cp vào tháng 7/2023, tức bốc hơi 75% giá trị trong hơn 1 năm qua.
Diễn biến cổ phiếu LTG. Nguồn: TradingViewLắm chuyện lùm xùm
Mã chứng khoán LTG giảm trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục lộ ra nhiều vấn đề bất cập như lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán, khó khăn về dòng tiền, nợ quá hạn với nông dân và “lùm xùm” về nhân sự.
Cụ thể, đầu tháng 4, công ty công bố BCTC kiểm toán cả năm 2023 cho thấy lợi nhuận ròng bị bốc hơi đến 94% xuống 17 tỷ đồng do phần lãi từ giao dịch mua cổ phần Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân giá rẻ bị loại bỏ.
Sau đó, Lộc Trời vướng lùm xùm liên quan thiếu nợ quá hạn với nông dân. Từ đầu vụ Đông Xuân 2023 – 2024, tập đoàn triển khai ký hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư, dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dựa trên ước tính sản lượng mùa vụ, tập đoàn đã lên kế hoạch bao tiêu toàn bộ số lượng lúa và làm việc với ngân hàng để cấp vốn thu mua, trả tiền đúng hạn cho nông dân.
Đến giữa tháng 4, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả cho nông dân lên tới 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết do biến động khách quan từ các khách hàng mua gạo và ngân hàng, công ty thu xếp dòng tiền từ đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp nhưng vẫn còn chênh về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến nông dân. Đến ngày 20/5, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu lúa còn thiếu, thực hiện cam kết với nông dân và chính quyền địa phương.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Duy Thuận, cựu CEO thừa nhận khó khăn về dòng tiền của tập đoàn và bày tỏ cần thời gian vài năm để vượt qua.
Vào trung tuần tháng 7, ông Nguyễn Duy Thuận bị HĐQT miễn nhiệm Tổng Giám đốc. Sau đó, nhiều nhân sự khác cũng từ chức như bà Nguyễn Thị Thúy, Thành viên BKS; ông Johan Sven Richard Boden, Thành viên HĐQT; ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên BKS.
Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời đã có công văn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.
Trong buổi gặp mặt “Đã hơn một lần làm doanh nhân” – chủ đề của lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam do VCCI đồng bằng sông Cửu Long tổ chức gần đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời đã có nhiều tiết lộ gây sốc. Ông Thòn bày tỏ đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành, qua đó khiến công ty gặp tổn thất lớn. Bản thân ông nếu đi tiếp cùng Lộc Trời có thể dẫn đến tù tội.
Dòng tiền thiếu hụt, kinh doanh sa sút
Khởi thủy của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó mở rộng ra kinh doanh hạt giống, trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo. Kể từ đầu năm 2022, sau khi chấm dứt hợp tác với Syngenta – một trong công ty thuốc bảo vệ thực vật lớn trên thế giới, tập đoàn tập trung hơn cho mảng lương thực. Cựu CEO từng chia sẻ về mục tiêu đạt biên lợi nhuận gộp 30% cho mảng lúa gạo dựa trên cơ giới hóa, hợp lý hóa công tác tổ chức sản xuất, giảm hao tiêu, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.
Trong giai đoạn 4 năm dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Duy Thuận, doanh thu Lộc Trời tăng rất mạnh từ 7.710 tỷ đồng năm 2020 lên 16.518 tỷ đồng năm 2023. Trong đó, mảng lúa gạo dần đóng góp tỷ trọng lớn lên đến gần 70% trong khi thuốc bảo vệ thực vật và các mảng khác suy giảm.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo ngày càng mỏng, năm 2023 chỉ đạt 2%, giảm so với mức 2,9% của năm 2022 và đóng góp chưa đến 10% tổng lợi nhuận gộp của Lộc Trời. Mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là mảng “gánh team” với biên lợi nhuận gộp lên đến 51% và chiếm gần 80% lợi nhuận gộp của tập đoàn.
Mặt khác, doanh nghiệp đối diện với tình trạng doanh thu càng tăng, khoản phải thu càng lớn, nợ khó đòi càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2023, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đạt 6.517 tỷ đồng, gấp gần 3 lần đầu năm. Nợ quá hạn 808 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; trong đó nợ quá hạn từ 1 năm trở lên hơn 517 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Lộc Trời phải gia tăng nợ vay để đảm bảo vốn lưu động. Công ty tăng mạnh nợ vay ngắn hạn gần gấp đôi lên 6.228 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 2 lần.
Đến nay, Lộc Trời vẫn chưa công bố BCTC quý II và BCTC bán niên soát xét. Doanh nghiệp lý giải đang gặp phải sự kiện bất khả kháng phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty tập trung xử lý các vấn đề tài chính trước mắt. Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên năm nay tổ chức muộn hơn so với các năm trước. Sau đại hội, công ty gặp biến động nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt nên đến ngày 19/8 mới hoàn tất ký hợp đồng kiểm toán và soát xét 2024.
Dựa theo số liệu tại BCTC quý I doanh nghiệp công bố thì tình hình tài chính không có nhiều tiến triển. Lộc Trời tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng cao từ 2.452 tỷ đồng lên 3.849 tỷ đồng nhờ mảng lúa gạo nhưng lợi nhuận gộp giảm và lỗ ròng 96 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận