Cổ phiếu hủy niêm yết/đăng ký giao dịch: Làm thế nào để nhà đầu tư không phải nộp phí lưu ký?
Ghi nhận qua phản ánh của một số nhà đầu tư, hiện nay trên thị trường chứng khoán đang tồn tại việc một số cổ phiếu bị hủy niêm yết/đăng ký giao dịch nhưng vẫn bị công ty chứng khoán thu phí lưu ký.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
* PV: Thưa ông, một số nhà đầu tư trên thị trường phản ánh, hiện nay có một số cổ phiếu bị hủy niêm yết/đăng ký giao dịch vẫn phải đóng phí lưu ký. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý kiến này? Nếu đúng là cổ phiếu bị hủy niêm yết/đăng ký giao dịch mà vẫn phải đóng phí lưu ký thì có gì bất cập không, thưa ông?
Thành viên lưu ký không phải nộp giá dịch vụ lưu ký chứng khoán chỉ trong trường hợp chứng khoán được rút khỏi tài khoản hoặc đã thực hiện hủy đăng ký chứng khoán tại VSD. Các trường hợp hủy đăng ký chứng khoán/rút chứng khoán đã được quy định cụ thể tại Thông tư 05/2015/TT-BTC và Quyết định số 03/QĐ-VSD ngày 02/1/2020, Quyết định 04/QĐ-VSD ngày 02/1/2020 của VSD.
Theo tôi, sẽ không có vấn đề gì bất cập nếu nhà đầu tư thực hiện việc rút chứng khoán của tổ chức bị hủy niêm yết/đăng ký giao dịch, vì khi đó nhà đầu tư sẽ không phải đóng phí lưu ký chứng khoán.
* PV: Trong một số trường hợp, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bị hủy niêm yết, hủy giao dịch mà không còn khả năng nộp khoản phí trên sẽ được xử lý như thế nào? Trước đây, một số công ty chứng khoán cũng có phản ánh về việc tuy cổ phiếu không còn giao dịch, nhưng VSD vẫn thu phí lưu ký, khiến công ty chứng khoán phải chịu một khoản tổn thất đáng kể do không thu được phí của khách hàng để nộp cho VSD. Cụ thể phản ánh này là như thế nào, thưa ông?
Theo quy định thì thành viên lưu ký phải trực tiếp nộp giá dịch vụ lưu ký cho VSD và nhà đầu tư nộp trực tiếp giá dịch vụ lưu ký cho thành viên lưu ký. Do vậy, việc công ty chứng khoán không thu được giá dịch vụ lưu ký từ nhà đầu tư là thuộc trách nhiệm quản lý và thỏa thuận xử lý giữa công ty chứng khoán với nhà đầu tư.
* PV: Thưa ông, nhà đầu tư và các thành viên lưu ký trong trường hợp này có thể làm gì để tháo gỡ những vướng mắc trên?
Thứ nhất, đối với trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết do không đủ điều kiện niêm yết và phải chuyển sang giao dịch tại UPCoM: công ty chứng khoán nên tư vấn cho tổ chức phát hành sớm thực hiện ngay các thủ tục để chuyển cổ phiếu sang giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho cổ phiếu được giao dịch trên thị trường và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Thứ hai, đối với trường hợp cổ phiếu hủy niêm yết/đăng ký giao dịch nhưng không/chưa hủy đăng ký chứng khoán tại VSD thì nhà đầu tư có thể tạm thời rút chứng khoán lưu ký (chuyển sang trạng thái chứng khoán chưa lưu ký). Sau khi rút chứng khoán lưu ký, nhà đầu tư, công ty chứng khoán sẽ không phải nộp phí lưu ký chứng khoán. Trường hợp cổ phiếu được niêm yết/đăng ký giao dịch trở lại thì nhà đầu tư có thể cân nhắc thực hiện việc lưu ký chứng khoán để phục vụ các mục tiêu của mình.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Theo quy định hiện hành của Luật Chứng khoán, các công ty đại chúng khi phát hành chứng khoán đều phải đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và để chứng khoán giao dịch được thì phải được lưu ký tập trung tại VSD. VSD sẽ thu giá dịch vụ lưu ký chứng khoán theo quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ Tài chính. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận