Cổ phiếu DRC đã về vùng hấp dẫn?
Dù kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý 3, nhưng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) vẫn đang có xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, doanh thu thuần đạt hơn 970 tỷ đồng, tăng gần 9% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt mức 81,8 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất từ năm 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 13,3% và LNST đạt gần 170 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, DRC đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 135% kế hoạch LNST năm 2019.
DRC đạt được mức tăng trưởng mạnh trong quý 3 là do sản lượng bán hàng lốp Radial đạt 91,2% công suất thiết kế và biên lợi nhuận từ mảng này cũng duy trì ở mức cao.
Nếu như năm 2018, LNST của DRC sụt giảm mạnh do xây nhà máy mới sản xuất lốp Radial, đồng thời di dời nhà máy chưa đem lại lợi nhuận ngay, khiến nợ vay tăng mạnh, thì đến năm 2019, tỉ lệ nợ vay của DRC đã bắt đầu giảm dần qua các quý, khi nhà máy mới sản xuất lốp Radial công suất 600.000 lốp/năm đã đi vào hoạt động.
Đồng thời, trong năm 2019, giá nguyên liệu cao su tự nhiên và dầu thô không có biến động quá lớn giúp ổn định chi phí sản xuất cho DRC hơn các năm trước. Bởi vậy, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của DRC trong trung hạn dự kiến sẽ tích cực hơn khi giá nguyên liệu đầu vào dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi và kết thúc 7 năm khấu hao của nhà máy lốp radical – Giai đoạn 1 vào cuối năm 2020.
Trong cơ cấu doanh thu của DRC, thị trường nội địa vẫn chiếm tỉ lệ lớn, trong khi tỉ trọng xuất khẩu đang tăng dần qua các năm. Hoạt động xuất khẩu tích cực giúp giải tỏa bớt áp lực cạnh tranh trong nước từ các sản phẩm Trung Quốc. Trong đó, lốp Radial chiếm 80% giá trị xuất khẩu ở các thị trường chính, như Brazil, Mỹ, Myanmar, Thái Lan và Malaysia.
Mặc dù vậy, trong xuất khẩu, DRC cũng gặp một số rào cản, cụ thể, theo yêu cầu của Kiếm toán Nhà nước, DRC phải thay đổi phương thức thanh toán ngay hoặc theo phương thức L/C để giảm rủi ro. Chính sách thanh toán mới đã tác động đến sản lượng xuất khẩu của DRC.
Bên cạnh đó, tại các thị trường xuất khẩu, như Thái lan, Malaysia..., nhu cầu tiêu thụ lốp Bias sẽ ngày càng giảm, nên DRC cần đẩy mạnh tăng trưởng lốp Radial để bù đắp.
Ngoài ra, rủi ro cạnh tranh tiềm ẩn cả trong thị trường nội địa lẫn xuất khẩu trong dài hạn cũng là một thách thức đối với DRC. Theo ban lãnh đạo của DRC, các nhà sản xuất lốp của Trung Quốc đang chuyển hướng sản xuất sang các nước trong khu vực như Thái Lan và Việt Nam không chỉ nhằm thay đổi xuất xứ sản phẩm mà còn bắt kịp nhu cầu gia tăng nội địa tại các quốc gia này. Hiện các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đang có 2 dự án lốp quy mô lớn ở Việt Nam, đó là lốp radial ACTR, tổng đầu tư 280 triệu USD tại Tây Ninh, và Advance Vietnam Tire, tổng đầu tư 214 triệu USD tại Tiền Giang. Trong đó, dự án Advance Vietnam Tire sở hữu công suất sản xuất lốp Radical 1,2 triệu lốp mỗi năm, lớn hơn nhiều so với công suất của DRC là 600.000 lốp mỗi năm.
Được biết, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở DRC đang ở mức 51% và dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn tới, điều này được cho là sẽ hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu DRC khi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này tiếp tục cải thiện.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết mức Stock Rating của DRC hiện ở mức 85 điểm, trong đó điểm cơ bản của DRC đã tăng lên mức 95 điểm, cho thấy mức tăng trưởng được đánh giá rất tích cực. Trong ngắn hạn, đồ thị giá vượt đường trung bình 50 ngày với khối lượng giao dịch tăng đột biến và đồ thị giá cũng bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, xu hướng ngắn hạn được nâng từ mức giảm lên tăng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/12/2019, cổ phiếu DRC đóng cửa ở mức 22.600đ/cp, giao dịch ở mức EV/EBITDA năm 2019 và 2020 lần lượt là 6,0 lần và 5,3 lần, khá hấp dẫn so với mức trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực là 7,1 lần cho năm 2019 và 6,2 lần năm 2020.
Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu DRC đang có xu hướng điều chỉnh nhẹ trong ngắn hạn. Theo đó, nếu trụ vững trên 21.000đ/cp, thì cổ phiếu này sẽ sớm phục hồi để thách thức với mức 25.000đ/cp, kế tiếp là vùng 30.000đ/cp. Tuy nhiên, nếu không trụ vững trên 21.000đ/cp, thì giá cổ phiếu DRC sẽ giảm xuống mức 17.000- 20.000đ/cp trước khi tăng giá trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận