menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thanh Huyền NT

Cổ phiếu cao su tăng... không nhờ cao su

Từ tháng 6-2018, tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã cổ phần hóa công ty mẹ và chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần. Mặc dù doanh thu năm 2018 đạt 4.536 tỉ đồng, tăng 23,53% so với chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao và cao hơn chỉ tiêu của đại hội đồng cổ đông nhưng kết quả bán cổ phần lần đầu lại không đạt yêu cầu.

Nguyên nhân là chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất không đạt. Tập đoàn giải thích là do giá bán cao su giảm mạnh so với giá bán kế hoạch đã ảnh hưởng tới lợi nhuận trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, dẫn tới giảm lợi nhuận so với kế hoạch. Lợi nhuận trong các lĩnh vực kinh doanh khác của tập đoàn này đều ở mức cao nhưng lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su lại là mảng đạt thấp.

Cụ thể, lợi nhuận từ mảng kinh doanh sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su là 100 tỉ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với mảng phát triển khu công nghiệp với lợi nhuận trên 500 tỉ đồng/năm và thanh lý, chế biến gỗ cao su đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm (sản phẩm gỗ MDF của tập đoàn đang chiếm tới 50% sản lượng toàn quốc).

Không chỉ VRG, nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên cũng gặp thách thức đến từ giá cao su. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá cao su thiên nhiên quốc tế giảm mạnh và liên tục từ mức đỉnh xấp xỉ 4.000 đô la Mỹ/tấn vào năm 2011, xuống tới đáy 1.333 đô la Mỹ/tấn năm 2016. Tuy tới năm 2017, giá đã hồi phục nhẹ lên 1.629 đô la Mỹ/tấn nhưng sự suy giảm kéo dài đã gây không ít khó khăn cho ngành cao su thiên nhiên.

Hiện nay, giá cao su thế giới vẫn có chiều hướng giảm từ áp lực hàng tồn kho cao tại các nước trong khu vực, xuất phát từ tình trạng cung vượt cầu từ những năm gần đây. Theo ông Andy Lê Hoài Ân, Trưởng bộ phận Phân tích của One Road Research, hiện sản lượng cao su hàng năm của Hội đồng Cao su ba nước (ITRC) là Thái Lan, Malaysia và Indonesia chiếm tới 70% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.

Tuy nhiên, ITRC đã thống nhất cắt giảm lượng xuất khẩu 240.000 tấn cao su tự nhiên trong thời gian bốn tháng nhằm nới lỏng nguồn cung đang dư thừa và cải thiện mức giá thấp trong vòng nhiều năm.

Trong nước, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1.218 đô la Mỹ/tấn vào cuối tháng 12-2018 , giảm 2,1% so với tháng trước đó và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá giảm dẫn đến hệ quả là tuy xuất khẩu cao su tăng 13,3% về lượng, nhưng lại giảm 7% về trị giá so với năm 2017.

Cổ phiếu phân hóa
Cổ phiếu cao su tăng... không nhờ cao su

Trong bối cảnh trên, hiện có sự phân hóa rõ ràng giữa cổ phiếu của các doanh nghiệp chỉ thuần sản xuất cao su và cổ phiếu của doanh nghiệp có thêm mảng đầu tư vào khu công nghiệp. Theo đánh giá của chuyên viên phân tích Nguyễn Bình Nguyên thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, khi giá cao su RSS3 (được sử dụng trong sản xuất lốp xe và ruột xe) thế giới có sự phục hồi nhẹ từ mức 16,6 đô la Mỹ/ki lô gam lên 19,9 đô la Mỹ/ki lô gam trong năm 2017, giá cổ phiếu ngành này tại Việt Nam đã có xu hướng tăng điểm.

Tuy nhiên trong năm 2018, bắt đầu có sự phân hóa về giá cổ phiếu khi giá cao su giảm 22% xuống mức 15,5 đô la Mỹ/ki lô gam.

Bà Nguyên dẫn ví dụ về xu hướng giảm điểm cổ phiếu thuần cao su của Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (mã HRC) và Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của TRC và HRC giảm lần lượt 17% và 7% so với năm 2017, chủ yếu do giá cao su tự nhiên giảm. TRC ghi nhận lỗ gộp 23,5 tỉ đồng, giảm 139% theo năm, trong khi lãi gộp từ hoạt động kinh doanh cao su của HRC chỉ đạt 12,4 tỉ đồng, giảm 55% theo năm.

Trong khi đó, những công ty có giá cổ phiếu tăng thì lại dựa chủ yếu vào kết quả khả quan từ kinh doanh khu công nghiệp và các khoản lợi nhuận bất thường khác như thanh lý gỗ cây cao su ở quy mô lớn hay chuyển giao đất khu công nghiệp. Năm 2018, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), một trong số các công ty cao su có lời, đã đạt mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, với mức 637 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần năm 2017.

Cổ phiếu theo đó cũng tăng gấp 2,5 lần và đạt đỉnh vào tháng 3-2019 sau một thời gian dài chỉ giao dịch ở mức dưới giá trị. Lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc thanh lý cây gỗ cây cao su già và chuyển giao đất khu công nghiệp, riêng lợi nhuận từ hai mảng này đã đạt 419 tỉ đồng năm 2018.

PHR có quỹ đất dồi dào với vị trí địa lý đắc địa gần các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, có lợi thế rất lớn khi có thể chuyển giao đất trồng cao su sang đất kinh doanh khu công nghiệp. Công ty đang sở hữu 80% cổ phần của khu công nghiệp Tân Bình và có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp này thêm 1.055 héc ta nữa.

Năm 2018, khu công nghiệp Tân Bình đạt kết quả kinh doanh hết sức khả quan với lãi gộp thuộc về công ty mẹ là 60 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so với năm trước. Một nguyên nhân nữa khiến giá cổ phiếu PHR tăng mạnh trong thời gian qua là thông tin thoái 32,85% cổ phần tại Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC).

Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông tháng 3-2019, PHR đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 1.246 tỉ đồng với kỳ vọng sẽ thoái xong toàn bộ phần vốn tại NTC trong năm 2019. NTC hiện đang giao dịch với mức giá 107.000 đồng/cổ phiếu, nếu thoái vốn thành công PHR sẽ ghi nhận lợi nhuận tài chính khoảng 500 tỉ đồng.

Một ví dụ tương tự khác là Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR). Mặc dù sản lượng và giá bán cao su sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2018 và giá cổ phiếu tăng hơn 30% trong ba tháng đầu năm 2019. Lợi nhuận của DPR chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý gỗ cây cao su với lãi gộp đạt 230 tỉ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2017 và cao gấp 2 lần lãi gộp từ hoạt động kinh doanh cao su.

2019 chưa chắc đã phục hồi

Ảnh minh họa Thành Hoa.

ANRPC (Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên) dự báo giá cao su tự nhiên sẽ khó duy trì xu hướng tăng trong chín tháng còn lại của năm 2019 mặc dù được sự hậu thuẫn của giá dầu.

Theo các chuyên gia, thị trường cao su thiên nhiên chưa có dấu hiệu đột phá trong năm 2019, nhưng cũng không có tín hiệu quay về lịch sử rớt giá thê thảm. Bà Nguyên dẫn số liệu trung bình tháng 3-2019 của Agromonitor cho biết giá cao su RSS3 trong nước đạt 35,648 triệu đồng/tấn, tăng 18,5% so với tháng 12-2018. Dự báo cả năm, giá cao su RSS3 trung bình sẽ chỉ ở mức 34-36 triệu đồng/tấn, tăng 6% hàng năm.

Ông Andy lại có quan điểm tích cực hơn. Theo ông, hiện nay, nhiều yếu tố đang thay đổi tích cực đến giá cổ phiếu cao su, chẳng hạn giá cao su thiên nhiên đã phục hồi và tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, hồi cuối năm 2018, các công ty cao su và lốp xe đang niêm yết toàn cầu đã tăng đầu tư lên 12 tỉ đô la Mỹ so với mức 10 tỉ đô la Mỹ năm 2017.

Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất lốp xe tăng đầu tư trong năm 2018 chiếm hơn 75% thị phần. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên. Đồng thời, sự phục hồi kinh tế của đối tác nhập khẩu nhiều cao su nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 65,3% sản lượng xuất khẩu năm 2017) cũng là tín hiệu mừng cho các nhà sản xuất cao su trong nước sau một thời gian bị gián đoạn bởi căng thẳng Mỹ - Trung.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại