Cổ phiếu BSR trên hành trình ‘vượt bão’
Năm 2020 được xem là một năm đầy khó khăn đối với ngành dầu khí Việt Nam dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và diễn biến giá dầu thế giới giảm sâu.
Nhu cầu đi lại hạn chế do giãn cách xã hội, thu nhập giảm khiến sức tiêu dùng kém, các hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ khiến cho triển vọng của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu Dầu khí nói riêng không mấy khả quan trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2020, niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các yếu tố vĩ mô tích cực đóng góp đáng kể vào đà tăng của thị trường. Nhóm cổ phiếu Dầu khí cũng không nằm ngoài xu hướng vận động chung đó, nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ, trong đó có Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR).
Giá cổ phiếu BSR có thời điểm lao dốc mạnh xuống mức đáy của năm 2020 là 4.800 VNĐ/cổ phiếu vào phiên 31.3.2020. Tuy nhiên, giá sau đó đảo chiều tăng trở lại, có những thời điểm vượt lên trên mệnh giá và đạt đỉnh của năm ở mốc 10.500 VNĐ/cổ phiếu tại phiên 30.12.2020. Chốt năm 2020 giá cổ phiếu đạt mức tăng trưởng 20,7% so với đầu năm và tăng hơn 106% so với mức đáy của năm. Đây được xem là mức tăng khá tốt so với các doanh nghiệp cùng ngành. Thanh khoản bình quân cũng tăng trưởng vượt bậc từ mức 1,73 triệu cổ phiếu/phiên trong năm 2019 lên 3,64 triệu cổ phiếu/phiên trong năm 2020 và đứng Top 3 của ngành. Cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, được giao dịch sôi động hơn, đặc biệt lượng giao dịch trong hai tháng cuối năm có những phiên đạt hơn 10 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như giá dầu thế giới hồi phục trở lại kể từ phiên ghi nhận mức giao dịch âm lần đầu tiên trong lịch sử; thị trường chứng khoán trong nước khởi sắc đã hỗ trợ tích cực cho giá và thanh khoản của cổ phiếu BSR giai đoạn vừa qua thì không thể không kể đến những nỗ lực nội tại và tự thân của BSR.
BSR đã áp dụng đồng bộ các giải pháp sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh như xây dựng chiến lược phát triển thích ứng với những điều kiện mới, đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững; xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động ứng phó với các biến động khó lường của thị trường, dịch bệnh; nâng cao công tác quản trị; rà soát và từng bước số hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý; tăng cường tiết kiệm, tiết giảm chi phí, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật,...
Công ty đã bắt đầu có lợi nhuận sau thuế dương trở lại kể từ quý 3.2020 và dự kiến tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo. Kết thúc năm 2020, BSR cơ bản đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra. BSR vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, khối lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 5,96 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch năm 2020; doanh thu đạt 58.283 tỉ đồng và nộp NSNN đạt 5.803 tỉ đồng. BSR đã tiết giảm ước tính được 1.844 tỉ đồng không bao gồm chi phí dầu thô, tương đương 19,2% so với kế hoạch được Tập đoàn giao.
Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR cho biết: Năm 2020, là năm rất khó khăn nhưng cũng là năm BSR vượt qua khủng hoảng thành công. BSR đã nỗ lực vượt qua khó khăn, không để đứt gãy các hoạt động của Nhà máy, từng bước khôi phục hiệu quả sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. BSR đã đạt các thành quả trong sản xuất, bảo dưỡng tổng thể lần 4, tối ưu hóa công nghệ, kinh doanh sản phẩm, tiết kiệm tiết giảm chi phí và ổn định dòng tiền.
Năm 2021, BSR đặt ra các mục tiêu phấn đấu đạt sản lượng khoảng 6,497 triệu tấn; doanh thu 70.661 tỉ đồng, nộp NSNN 7.698 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỉ đồng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng với tiềm năng về con người và hệ thống quản trị của BSR, với sự quyết liệt của thế giới và Việt Nam trong công tác phòng chống dịch; nhà đầu tư có đủ cơ sở để tin tưởng về một hành trình hướng tới giá trị thực của giá cổ phiếu BSR trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận