24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Trà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên khống chế lãi vay tiêu dùng?

Diễn biến của thị trường BĐS còn liên quan lớn đến chất lượng tài sản ngân hàng khi các lớp tài sản đảm bảo nhằm thế chấp khoản vay chiếm phần lớn ở các nhà băng là BĐS và giấy tờ có giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên khống chế lãi suất thả nổi ở một biên độ phù hợp đối với cho vay tiêu dùng của các ngân hàng và siết trần lãi vay của Công ty tài chính.

Phụ thuộc thị trường bất động sản

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 5/2024, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Trước đó, số liệu của VNBA ghi nhận tại cuối tháng 2/2024, dư nợ tín dụng tiêu dùng của 15 công ty tài chính đạt khoảng 138.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Do đó, có thể thấy tín dụng tiêu dùng mới chỉ khởi sắc trở lại, nhờ đà phục hồi ngày càng tích cực của bán lẻ, tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, còn có sự hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS) ở một số phân khúc và vị trí cục bộ tại các trung tâm đô thị lớn như nhóm nhà ở chung cư đã hoàn thiện, giao dịch thứ cấp.

Trong những năm gần đây, bức tranh tín dụng chung của hệ thống cho thấy, tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng có thể phụ thuộc/ tương quan với thanh khoản BĐS. Chẳng hạn năm 2023, khi tăng trưởng tín dụng vô cùng ì ạch, BĐS đóng băng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tiêu dùng BĐS chậm chạp, người dân thận trọng với vay tiêu dùng địa ốc.

Một thống kê ghi nhận tại cuối năm 2023, tín dụng BĐS có lũy kế dư nợ khoảng 2,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ (từ 60%). Tại nhóm các ngân hàng lớn, con số này lên tới 70-80%. Có thể nói khi cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng BĐS nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm và ngược lại, sẽ kích tín dụng tăng trưởng mạnh khi cầu vay mua nhà tăng nhanh.

Bên cạnh đó, diễn biến của thị trường BĐS còn liên quan lớn đến chất lượng tài sản ngân hàng khi các lớp tài sản đảm bảo nhằm thế chấp khoản vay chiếm phần lớn ở các nhà băng là BĐS và giấy tờ có giá. VIS Rating nhận định điều này tác động trực tiếp đến tỷ lệ trích dự phòng khoản vay và chất lượng tài sản của những ngân hàng bán lẻ ở quý I/2024 khi có sự tập trung cho vay với danh mục BĐS cao hơn.

Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhiều ngân hàng hạch toán vay mua sửa chữa nhà ở hoặc thậm chí mua nhà vào mục vay tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến bên cạnh nhóm vay tiêu dùng phục vụ các khoản vay nhỏ và các nhu cầu cá nhân ngoài BĐS (vay mua xe, du học, phục vụ tiêu dùng cơ bản…), hay vay tiêu dùng tại công ty tài chính; thì trọng tâm đẩy tín dụng tăng trưởng năm 2024 của nhiều ngân hàng đã, đang tập trung vào lĩnh vực cho vay địa ốc. Đây là cơ sở để dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay.

Cầu thấp, cần trần lãi suất?

Với tín dụng BĐS hay tiêu dùng BĐS, từ đầu năm đến nay, dù cả nhóm Big 4 và các NHTM tư nhân trong 14 TCTD có vai trò trọng yếu của hệ thống năm 2024 có sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, ưu tiên bán buôn, bán lẻ hay đa năng…, nhưng đều đã và đang triển khai các gói ưu đãi cạnh tranh bằng lãi suất cho vay.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với nhu cầu cao về nhà ở, khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường BĐS. Vì vậy, việc tập trung phân khúc tín dụng nhà ở, cho cá nhân vay mua nhà cần được ưu tiên cao để thúc đẩy tín dụng.

Bên cạnh “chìa khóa” giảm lãi vay mua nhà, theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính, để tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh và chất lượng, với việc người dân có thể tính toán được kỳ vọng thu nhập đảm bảo khả năng trả nợ, thì cần xem xét về quy định khống chế lãi suất thả nổi ở một biên độ phù hợp.

“Khống chế lãi suất thả nổi trong biên độ phù hợp không có nghĩa là đặt trần lãi suất cho vay, vì đã có các quy định khác mà các ngân hàng phải tuân thủ. Nhưng với xu hướng lãi suất có thể tăng cao hơn, biên độ thả nổi của các ngân hàng có thể phân hóa từ 3-hơn 5% theo lãi suất cơ sở, thì việc khống chế là cần thiết để người dân yên tâm về khả năng trả nợ theo lãi vay mới trong tương lai”, ông Hoàn giải thích.

Đối với cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính, ông Hoàn cho rằng cần xác định trần lãi suất cho vay do cách tính lãi suất vay tín dụng tiêu dùng + phí ẩn của nhiều tổ chức rất cách xa nhau. Hơn nữa, người dân lại không thể đọc hiểu được hết mọi điều khoản trong các hợp đồng vay rất nhiều trang, được cài cắm nhiều quy định. Đảm bảo một mức trần lãi vay tiêu dùng cũng là cách để chất lượng và khả năng thu hồi nợ tiêu dùng ở nhóm tài chính được nâng cao, thu hút nhu cầu vay bằng các khoảng cách lãi suất và quy định minh bạch thay vì đẩy người dân qua “tín dụng đen”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả