24HMONEY đã kiểm duyệt
09/06/2023
Có nên đầu tư cổ phiếu giai đoạn hiện nay
Thị trường chứng khoán từ tháng 01/2023 đến hết tháng 05/2023 đã cho thấy xu hướng vận động đi ngang với biên độ dao động vào khoảng 100 điểm và chỉ số VNINDEX kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 05/2023 ở mức 1.075 điểm với thanh khoản giao dịch dao động từ 6.400 đến 16.400 tỷ đồng một phiên giao dịch trên sàn HoSe
Chỉ số thị trường gần như đi ngang với biên độ dao động không lớn cùng với mức thanh khoản dao động khá mạnh và không ổn định trong thời gian vừa qua cho thấy sự vận động thị trường không ổn định và rất khó để xác định xu hướng trong tương lai, để đánh giá cũng như phân tích chi tiết vấn đề nhận định, tác giả xin phân tích các góc độ tiếp cận sau:
Thứ nhất, về vĩ mô chính sách kìm chế lạm phát của Fed đã 10 lần tăng lãi suất với mức lãi suất như hiện nay là 5,25% và thông tin đánh giá cho thấy Fed có thể sẽ nhẹ nhàng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức 5,25% hiện nay đã là rất cao và hiện đang tiệm cận mức lãi suất mà Fed từng áp dụng trong giai đoạn 2007 - 2008 nhằm kìm chế lạm phát trong giai đoạn này. Vấn đề cần phân tích ở đây với giả định rằng với mức lãi suất này có thể tạm gọi là đỉnh của lạm phát (tức là giai đoạn này lạm phát cơ bản đã kiểm soát tốt) nhưng về độ trễ của chính sách thì tác giả cho rằng sẽ còn phải tốn một thời gian mới có thể ổn định kinh tế, ổn định tâm lý đầu tư nên trong thời gian ngắn sẽ không xác nhận được hiệu của của chính sách được. Do đó, dự báo thị trường sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và sẽ vận động đi ngang với biên độ dao động chỉ số VnIndex không quá lớn.
Thứ hai, về nội tại và tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong nước không giống với các thị trường trên thế giới (do cơ chế điều tiết nền kinh tế, chính sách điều tiết tiền tệ, tài khoá và cũng như cơ cấu tỷ trọng các nhóm ngành kinh tế khác nhau tại các quốc gia). Do đó, sẽ dẫn đến hệ quả rằng yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng chung cho các nền kinh tế tại các quốc gia nhưng sự phản ứng cũng như mức độ chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tại mỗi quốc gia sẽ không giống nhau. Như vậy, có thể thấy là sự vận động thị trường tài chính tại mỗi quốc gia sau khi bị ảnh hưởng sẽ tuỳ thuộc vào chính sách điều hành, điều tiết nền kinh tế của quốc gia đó và có thể xem là sẽ có sự phân hoá.
Thứ ba, nếu xét về góc độ các doanh nghiệp trong nước thì kết quả kinh doanh công bố trong Quý 1/2023 các doanh nghiệp hoạt động không đạt kết quả khả quan như mong muốn, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản còn nhiều khó khăn. Về chính sách nhà nước cho thấy tích cực hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách, hành chính đã giúp các doanh nghiệp tháo gỡ một số vướng mắc tồn động. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần xem xét là nội hàm về nguồn lực cơ bản nội tại của doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn là vấn đề nan giải (như tính thanh khoản, hiệu quả hoạt động, đầu tư, chi phí, huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp).
Ngoài ra, nếu xét về yếu tố tâm lý thì sự thua lỗ đầu tư trong năm 2022 và dẫn đến tâm lý thận trọng đã làm cho thị trường đầu tư chứng khoán đang ở trạng thái nghi ngờ, dè chừng với quyết định đầu tư của mình cũng như phụ thuộc nhiều vào thông tin hỗ trợ tích cực từ chính sách. Điều này, cũng góp phần giải thích tính thanh khoản của thị trường đã giảm rất nhiều trong thời gian vừa qua, thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất để xác định xu hướng vận động của thị trường chứng khoán.
Theo góc độ kinh tế cho thấy rằng kinh tế có chu kỳ và thị trường chứng khoán cũng vậy và giai đoạn hiện nay nhà đầu tư rất khó để xác định được đỉnh hoặc đáy của một giai đoạn trong chu kỳ vận hành của thị trường trừ khi thị trường đã đi qua một giai đoạn nào đó thì nhà đầu tư mới nhận ra được giai đoạn trước đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng giai đoạn hiện nay rất khó có thể xác định cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng như phân tích các kịch bản rủi ro khi nhà đầu tư quyết định đầu tư cổ phiếu trong giai đoạn thị trường không xác định được xu hướng.
Bình luận