24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

Tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ.

Để giảm tình trạng tiêu thụ đường không hợp lý và những tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe, các chuyên gia cho rằng, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là cần thiết.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, mục đích của Luật này là hoàn thiện các quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu ngân sách, đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện; đổi mới các quy định theo hướng gia tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và mở rộng các đối tượng hàng hóa chịu sắc thuế này, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, về đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế TTĐB hiện hành chỉ quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB là còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Dự thảo Luật mới sẽ bổ sung thêm nhiều nhóm, hàng hóa dịch vụ và đưa ra lộ trình áp thuế TTĐB phù hợp cho từng loại, nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của người dân.

Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB

Thực tế cho thấy, khoảng 110 quốc gia trên thế giới đã áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và đem lại kết quả tích cực.

Đơn cử như, ở Mexico, việc áp thuế khoảng 10% giá bán với đồ uống có đường đã làm giảm tiêu thụ khoảng 6% sau 6 tháng và khoảng 12% sau 12 tháng. Đồng thời, tiêu thụ đồ uống không đường như nước suối đóng chai lại tăng 4%.

Hay tại Vương quốc Anh, hai năm sau khi áp thuế đối với đồ uống có đường, tiêu thụ đồ uống có đường ở nhóm hàm lượng cao (trên 8g/100ml) đã giảm 35,1%, ở nhóm hàm lượng trung bình (5-8 g/100ml) giảm 45,5%. Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống ở nhóm đường thấp (dưới 5g/100ml) hoặc không đường lại tăng tới 35,5%.

Đặc biệt, sức khỏe của mọi người được cải thiện khi họ giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy, khi áp thuế suất đồ uống có đường 11%, 20% và 25% thì tỷ lệ mắc béo phì giảm lần lượt là 1,73%; 3,83% và 4,91%. Tương tự, ở Colombia, tỷ lệ thừa cân giảm 1,5 - 4,9 điểm % và béo phì giảm 1,1 - 2,4 điểm % trong 1 năm.

Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

Các chuyên gia cho rằng, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là cần thiết để giảm tình trạng tiêu thụ đường không hợp lý

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam hoàn toàn đồng ý với nội dung này. WHO khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội Việt Nam áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường ở mức đủ cao để giảm tiêu thụ với mặt hàng này, qua đó sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên.

Liên quan đến lo ngại về quyền lợi người tiêu dùng, chuyên gia này cho biết, theo các cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình tại Việt Nam, các hộ gia đình có thu nhập cao lại tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn so với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Vì vậy, các gia đình nghèo hơn sẽ ít bị tác động của thuế hơn so với các hộ thu nhập cao.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh như thuốc lá và đồ uống có đường mang lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình nghèo nhất. Bởi các nhóm này có xu hướng giảm tiêu thụ nhiều nhất sau khi áp thuế, và do đó, được hưởng lợi nhiều nhất trong việc phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần tiết kiệm thu nhập và giảm chi phí y tế liên quan đến các bệnh này.

“Hơn nữa, thu nhập bổ sung của Chính phủ từ thuế với đồ uống có đường có thể được định hướng vào các khoản đầu tư cho người nghèo, chẳng hạn như hỗ trợ bảo hiểm y tế, qua đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho những nhóm nghèo”, TS. Angela Pratt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Thùy Duyên, Đại học Y tế Công cộng khẳng định, thuế đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ, từ đó làm giảm lượng đường tiêu thụ. Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.

Các quốc gia trên thế giới thường áp dụng thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường. Loại thuế này có tác động trực tiếp đến các sản phẩm có hàm lượng đường cao khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các dòng sản phẩm ít đường hơn. Giải pháp này mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn.

“Tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho cho tình trạng béo phì ở Việt Nam”, Ths Nguyễn Thùy Duyên chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả