Cơ hội thu hút FDI xanh
Nhà đầu tư quốc tế đang bày tỏ sự quan tâm về chính sách, khung pháp lý cũng như môi trường cho các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững tại Việt Nam.
Quyết định xây dựng nhà máy mới của tập đoàn Lego tại Việt Nam gây tiếng vang lớn không chỉ bởi quy mô đầu tư lên đến 1 tỷ USD, mà còn bởi đây là nhà máy bền vững nhất từ trước đến nay của ông trùm đồ chơi lắp ráp toàn cầu. Nhà máy này vận hành theo tiêu chí trung hòa carbon thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tuần hoàn vật liệu và tiết kiệm năng lượng.
Theo đại diện Lego, quyết định đặt nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam có liên quan mật thiết đến cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại cam kết COP26, cùng với nhiều quyết sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tiếp sau Lego, một doanh nghiệp nước ngoài khác là Pandora cũng quyết định xây dựng nhà máy chuyên chế tác trang sức tại tỉnh Bình Dương, được vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED Gold. Nguồn nhân lực chất lượng và niềm tin vào cam kết bền vững của Việt Nam là lý do được Pandora đưa ra cho dự án này.
Không chỉ các dự án đầu tư mới, ngay cả những FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang tích cực triển khai những phương án xanh hóa sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến nhà máy không phát thải của Heneiken, chương trình nông nghiệp bền vững của Nestlé hay những nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Tetra Pak, Unilever…
Câu chuyện về thu hút FDI xanh, bền vững, tuân thủ trách nhiệm về môi trường và xã hội được đặt ra từ lâu trước khi Việt Nam đưa ra cam kết tại COP26. Là một nền kinh tế đang phát triển với nhiều vấn nạn xuất hiện như một hệ quả tất yếu của tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam luôn mong chờ vào sự xuất hiện của những công ty toàn cầu đem theo không chỉ nguồn vốn mà còn là công nghệ, quy trình, văn hóa hướng đến phát triển bền vững.
Chính vì lẽ đó, tín hiệu dòng vốn FDI chảy vào những lĩnh vực xanh như một lời khẳng định cho niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào tương lai phát triển bền vững, cũng được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng mới trong thu hút vốn FDI đảm bảo những tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường và xã hội.
Gần đây, trong buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư đã bày tỏ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn đầu tư theo chuẩn ESG vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo hay xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hay trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa qua, phái đoàn thuộc Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU ABC) cũng cho biết các doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi số.
Thực tế, doanh nghiệp trên toàn thế giới đang ngày càng có nhu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng. Ông lớn đồ thể thao Nike mới đây đã cam kết giảm 65% phát thải khí nhà kính tại tất cả những cơ sở sản xuất trên toàn cầu vào năm 2030, trùm công nghệ Apple lựa chọn mốc 2030 cho cam kết tham vọng hơn là trung hòa carbon trong chuỗi cung ứng, còn Microsoft triển khai những sáng kiến liên quan đến giảm thiểu bao bì dùng một lần, xây dựng dữ liệu về rác thải…
Điều này là tương đối dễ hiểu, bởi trước những yêu cầu gắt gao từ phía các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…, doanh nghiệp không thể tìm cách “né” tiêu chuẩn bền vững thông qua thiết lập cơ sở sản xuất ở những quốc gia “dễ dãi” được nữa.
Trong xu thế đó, cam kết tại COP26 trở thành năng lực cạnh tranh của Việt Nam, với thời hạn đạt được mức trung hòa carbon sớm hơn đa số các đối thủ trong cuộc đua thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu. Khi dòng vốn đầu tư đang chứng kiến những dịch chuyển mạnh mẽ, nếu tận dụng tốt lợi thế này, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của FDI chất lượng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận