Cơ hội lớn sẽ mở ra khi thị trường chứng khoán điều chỉnh?
Với những động lực mới xuất hiện từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, giới phân tích nhận định chứng khoán năm 2024 sẽ tiếp tục bứt phá và đi lên dù vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn.
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2023 tại mức 912 điểm.
Nhiều động lực cho VN-Index bứt phá
Bên cạnh đó, dòng tiền lớn đã chảy mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023. Đây là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho TTCK năm nay bứt phá. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã bắt đầu tạo đáy vào quý IV/2022 và quý I/2023 giúp nhiều nhóm ngành đi lên. Hơn nữa, dòng vốn ngoại vẫn đang dành sự quan tâm lớn, "chực chờ" tìm kiếm cơ hội chảy vào TTCK Việt.
Mặt khác, định giá VN-Index đang về khoảng 14,3-14,5 lần, là mức định giá nằm ở nửa dưới của đường trung bình của VN-Index trong 20 năm trở lại đây.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), dòng tiền trong thời gian qua tương đối khỏe và bền vững. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự cải thiện của nền kinh tế và sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp, không còn thấy những rủi ro về suy thoái kinh tế hay vỡ nợ ngân hàng xảy ra như dự báo trước đó nên đã thúc đẩy dòng tiền lành mạnh, và hiện tại nhà đầu tư vẫn chưa sử dụng nhiều đòn bẩy. Có thể trong giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu nhìn thấy dòng tiền đầu cơ mạnh hơn, khiến thanh khoản gia tăng hơn.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng có 3 động lực giúp TTCK đi lên. Đó là TTCK vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng tiền đầu tư trong năm 2024 trong khi các kênh đầu tư khác vẫn ảm đạm. Bên cạnh đó, động lực từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và hoạt động kinh doanh cốt lõi cùng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cải thiện và tăng trưởng trở lại.
“TTCK sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia VFS dự báo.
Mặc dù đưa ra lưu ý về những rủi ro trong năm 2024 như xung đột địa chính trị, lạm phát và lãi suất manh nha giảm nhưng vẫn ở mức cao, đà phục hồi chậm lại ở các nước kéo theo tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp và rủi ro an ninh lương thực vẫn hiện hữu, nhưng TS Cấn Văn Lực đánh giá kinh tế Việt Nam hiện cơ bản tốt và đang trong pha phục hồi từ tháng 5/2023. Nền tảng vĩ mô tương đối ổn định với lạm phát trong tầm kiểm soát 3,5%, tỷ giá tăng nhưng không quá đáng ngại, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng Quốc hội cho phép. Điều này cho thấy chính sách tài khoá của Việt Nam khá bền vững. Điều quan trọng là chính sách tiền tệ mở rộng vẫn được duy trì khi lãi suất đang đi ngang và tiếp tục giảm nhẹ.
"Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, TTCK nhìn xa từ đây đến cuối năm khả năng vẫn duy trì tích cực. Minh chứng là chỉ trong vài tháng đầu năm, mức tăng của thị trường đã gần bằng cả năm ngoái. Bây giờ, số liệu hàn thử biểu TTCK sát hơn với kinh tế thực, không có hiện tượng "bong bóng", thổi giá như trước đây", ông Lực nhận định.
3 nhóm ngành khả quan
Xét theo yếu tố định giá thị trường, thông thường nếu nằm ở nửa dưới thì là vùng định giá còn hợp lý và còn biên tăng lên vùng nửa trên. Do đó, các chuyên gia cho rằng khi đang biến động sát đường bình quân, thì một nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ làm cho định giá thị trường "mềm" hơn.
"Nhìn trong bức tranh lớn theo năm, nhịp điều chỉnh chính là cơ hội. Đơn cử như nhịp điều chỉnh phiên 18/3, VN-Index sẽ đi theo xu hướng tích luỹ trong uptrend dài nhiều hơn nhịp phân phối. Với tăng từ đầu năm đến nay là 200 điểm, tương đương 12%, mức điều điều chỉnh tích luỹ 8% là hợp lý cho VN-Index", Trưởng phòng Phân tích của VFS Nguyễn Minh Hoàng nhận định.
Đồng thời, chuyên gia này cũng đánh giá Ngân hàng, Bất động sản và Bán lẻ sẽ là 3 nhóm ngành triển vọng cho năm 2024 dựa trên những tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý, mức độ thu hút của dòng tiền và các câu chuyện vĩ mô hỗ trợ.
Dưới góc nhìn của TS. Hồ Quốc Tuấn, khi dòng tiền đầu cơ và dòng tiền sử dụng đòn bẩy bắt đầu khỏe hơn sẽ chuyển đến nhóm Midcap và Smallcap. Giai đoạn sau của thị trường sẽ phản ánh điều này và đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư.
Về nhóm ngành khả quan, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol chia ra làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan tới triển vọng dài hạn và thế mạnh đặc thù của các ngành sau trong tiến trình hồi phục của nền kinh tế: nhóm về công nghệ thông tin, nhóm ngành hỗ trợ liên quan đến FDI, ví dụ như khu công nghiệp và nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy chi tiêu công và tăng đầu tư hạ tầng. Hiện nay, nhóm ngành này đã mua nhiều với mức định giá đã gia tăng, nhưng về mặt cải thiện lợi nhuận thì vẫn còn câu chuyện và triển vọng lâu dài.
Nhóm thứ hai là nhóm xuất nhập khẩu, dù vẫn còn những thách thức nhưng đang đi lên từ nền thấp. Các doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới như dệt may, da giầy…
Nhóm thứ ba là nhóm bất động sản, nhưng nhóm này vẫn còn là một ẩn số. Mặc dù các luật sửa đổi đã được thông qua cùng những chính sách hỗ trợ khác nhưng thực sự có khiến thị trường bất động sản khởi sắc lại sớm hay không thì vẫn là một dấu hỏi.
Ngoài ra, câu chuyện về tỷ giá của năm nay sẽ khó hơn năm ngoái, bởi vì khi hồi phục về xuất nhập khẩu, thông thường Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng tốc độ nhập khẩu nhiều hơn, dẫn đến nhập siêu nhiều hơn. Do vậy, dự báo áp lực lên tỷ giá sẽ lớn hơn và như vậy một trong những cách mà Ngân hàng Nhà nước có thể làm giảm áp lực tỷ giá là tăng lãi suất…
“Tuy nhiên, do diễn biến chậm chạp của nhóm này cùng với mức nền thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có sức bật hơn các ngành khác trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Hải Giang/vnbusiness.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận