Cơ hội đầu tư cổ phiếu "thời thượng"
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động như hiện nay, câu hỏi "đầu tư vào ngành gì" khiến các nhà đầu tư trăn trở. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện nay có một số ngành mang tính "thời thượng" như ngành du lịch – hàng không, ngành dệt may, ngành ứng dụng công nghệ và ngành dược phẩm.
Phát biểu tại một hội nghị về cơ hội đầu tư chứng khoán, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm, hoạt động đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, với những chính sách và giải pháp như: xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới; tăng cung hàng hóa cho thị trường; tái cấu trúc thị trường; cơ cấu lại nhà đầu tư; nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; nâng hạng thị trường…, TTCK sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.
4 ngành có cơ hội bứt phá
Theo Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TTCK Việt Nam vừa trải qua giai đoạn "từ phấn khích đến cẩn trọng".
Cụ thể, cuối năm 2017, thị trường bước vào giai đoạn phấn khích khi chỉ số Vn-Index liên tục bứt phá và đến tháng 3/2018 đã vượt đỉnh lịch sử được thiết lập 10 năm trước đó. Thị trường giao dịch đầy hào hứng với giá trị giao dịch khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có phiên đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thị trường sau đó đã bước vào giai đoạn điều chỉnh với tâm lý cẩn trọng, giá trị giao dịch trung bình trong 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/phiên.
Việc phân bổ tài sản nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, việc lựa chọn giữa các tài sản đầu tư phụ thuộc vào vị thế, khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư trong thời kỳ này. Tuy nhiên, vẫn có 4 nhóm ngành được cho là có cơ hội bứt phá đầu tư là ngành du lịch – hàng không, ngành dệt may, ngành ứng dụng công nghệ và ngành dược phẩm.
Với ngành du lịch – hàng không, mức tăng trưởng bình quân 3 năm qua đều đạt trên 25%. Nếu như năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt người thì năm 2017 đã đạt 12,9 triệu lượt, năm 2018 đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt và dự kiến năm 2019 sẽ đạt khoảng 19 triệu lượt. Trước sự tăng trưởng đều đặn, các dịch vụ liên quan đến du lịch – hàng không sẽ bùng nổ.
Về tiềm năng của ngành dệt may đã quá rõ ràng với mức tăng trưởng đều đặn cùng với lợi thế từ các hiệp định mới được ký kết là CPTPP và EVFTA. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được đẩy mạnh và phát triển tại Việt Nam, cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) liên quan đến ứng dụng công nghệ, công nghệ cũng được cho là có tiềm năng.
Bên cạnh các ngành nói trên, các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư quan tâm đến các DN thuộc ngành y tế dược phẩm bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng khi tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh và mức thu nhập của người dân đang được cải thiện đáng kể.
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, ước tính ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng hàng năm 10,3% trong giai đoạn 2017 – 2020. Các DN dược trong nước đang cần sự hỗ trợ về vốn nhằm phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Nắm bắt chữ "thời"
Với các nhà đầu tư nói chung trên TTCK, chưa bao giờ là dễ dàng khi có thể dự báo được xu hướng của thị trường và thường dễ nôn nóng khi thị trường diễn biến tiêu cực bất thường.
Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư bám sát thị trường hoặc các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, TTCK hiện nay lại đang trở nên hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu tăng điểm, nhiều cổ phiếu liên tiếp vượt đỉnh hoặc đơn thuần là tạo cho các nhà đầu tư lợi suất khá tốt.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng TTCK tiềm ẩn nhiều rủi ro, thông tin nội gián, động cơ làm giá, thao túng báo cáo tài chính hoặc đơn giản chỉ là cuộc chơi của các "nhà cái". Việc đầu tư vào đâu, đầu tư thế nào để không rơi vào "bẫy" của thị trường khiến nhóm nhà đầu tư này phải "đau đầu".
Đưa ra khuyến nghị về chiến lược đầu tư trên TTCK, các chuyên gia cho biết trên cả phương diện đầu cơ ngắn hạn hay đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có một bộ lọc cổ phiếu, áp dụng những tiêu chí lựa chọn ban đầu về giá trị cơ bản DN và cả giá trị nội tại cũng như điểm mua vào hợp lý hoặc rẻ.
Hiện nay, quy mô của TTCK Việt Nam đã thay đổi rất lớn khi có 748 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 839 công ty niêm yết trên sàn UPCoM. TTCK đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với vốn hóa thị trường đạt khoảng 4,4 triệu tỷ đồng.
Theo đó, nhà đầu tư có khá nhiều sự lựa chọn với kênh đầu tư cổ phiếu. Thế nhưng có một thực tế là tại tất cả các nhóm ngành đều có những mã cổ phiếu tiềm năng, tuy nhiên việc đầu tư đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm bắt chữ "thời" thì mới có khả năng "thắng lớn".
Một doanh nhân có kinh nghiệm đầu tư lâu năm cho rằng việc chú ý đến những ngành "thời thượng" luôn mang lại hiệu quả đầu tư tốt và cần bỏ qua những ngành đã "hết thời".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận