Cơ hội cho tín dụng tăng trưởng
Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm nay giảm 0,6% do kinh tế khó khăn đã được dự báo trước.
Ảnh minh họa
Đây là thời điểm nhiều ngân hàng thương mại tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Một trong những ý kiến được các cổ đông quan tâm trong mùa đại hội năm nay là thúc đẩy tăng trưởng cho vay - hoạt động chính của ngân hàng, để tăng thu nhập.
Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm nay giảm 0,6% do kinh tế khó khăn đã được dự báo trước. Tuy nhiên, tín dụng bắt đầu phục hồi từ tháng 3/2023, hy vọng sẽ tạo đà tăng trưởng cho những tháng tiếp theo của năm.
Ba tháng đầu năm 2023, tăng trưởng nguồn vốn huy động của ACB đạt 2,1%; tỷ lệ vốn tối thiểu (CAR) đạt 13,1%, nợ xấu dưới 1%. Năm 2023, ACB dự kiến dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, vốn huy động đạt 495.836 tỷ đồng, đều tăng 9,7% so với năm 2022 và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Exinbank) cũng thông qua Đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với dư nợ tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2022. Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng năm nay được tính toán thận trọng do kinh tế thế giới có những biến động sẽ ảnh hưởng đến tình hình trong trong nước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023 dựa trên hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng, thứ nhất nếu ngân hàng này có hạn mức tăng trưởng tín dụng là 10%, vốn huy động dân cư tăng 12,05%; thứ hai nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là 14%, vốn huy động dân cư sẽ tăng 14,78%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng ngân hàng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Song, tín dụng ngân hàng chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ các yếu tố vĩ mô như: cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh… đến các yếu tố vi mô như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sức mua của người dân...
Đơn cử, tín dụng ở TP.HCM trong quý I/2023 tăng 1,25%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước, do kinh tế thành phố cùng thời gian này chỉ tăng trưởng 0,7%. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu đơn hàng nên nhu cầu vay vốn sụt giảm. Ngoài ra, quý I còn có yếu tố thời vụ, dịp Tết cổ truyền rơi vào tháng 1/2023 nên nhu cầu sử dụng vốn thấp (tăng 0,48%).
Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... Chẳng hạn mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% để khuyến khích sức mua trên thị trường; từ đó tạo sức bật đồng bộ cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tín dụng đã tăng trưởng trở lại từ tháng 3/2023 với mức tăng 1,37% so với tháng trước đó. Nguyên nhân sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 do lãi suất điều hành của NHNN giảm đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng. Đồng thời, các giải pháp của ngành ngân hàng tiếp tục được triển khai như hoạt động Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần tăngdư nợ tín dụng. Cùng với đó tổ chức tín dụng liên tục đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Lệnh, xu hướng tín dụng sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu để ban hành quy định về chính sách giãn, hoãn nợ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các NHTM thực hiện. Tuy vậy, việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các NHTM.
Theo các chuyên gia, chính sách giãn, hoãn nợ được ban hành không chỉ giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mà quan trọng hơn nó giúp khoản nợ của doanh nghiệp không bị nhảy nhóm, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay mới dễ dàng hơn. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận