Cổ đông lớn của Novaland tiếp tục bị bán giải chấp, cổ đông nhỏ lẻ vội 'thoát hàng'
Ảnh hưởng đà giảm của thị trường và lực bán mạnh, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) trong phiên sáng đầu tuần 30/9 giảm đỏ về 11.100 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 23 triệu đơn vị - đứng thứ 2 toàn thị trường. Trong phiên, có thời điểm thanh khoản cổ phiếu này còn vọt lên đứng đầu toàn sàn giao dịch.
Cổ phiếu NVL có “biến” sau thông tin CTCP Novagroup, tổ chức liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland tiếp tục bị bán giải chấp 41.158 cổ phiếu NVL vào ngày 20/9 vừa qua.
Sau giao dịch, NovaGroup còn nắm giữ hơn 343,8 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ 16,32%.
Cổ phiếu NVL giảm đỏ với thanh khoản lớn trong phiên sáng 30/9.
Trước đó, nhóm cổ đông này vừa hoàn tất bán 3 triệu cổ phiếu NVL nhằm cân đối đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, NovaGroup đã bán ròng hơn 36 triệu cổ phiếu NVL, bao gồm cả lượng cổ phiếu bị công ty chứng khoán giải chấp.
Đáng chú ý, Novaland vừa công bố BCTC soát xét bán niên 2024 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục 7.327 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 345 tỷ đồng trong báo cáo tự lập, khiến các chỉ số tài chính chuyển biến xấu.
Đồng thời, đơn vị kiểm toán đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland với quan ngại tập đoàn này có thể không đạt được một số kế hoạch đề ra, không thu hồi được giá trị tài sản và không thanh toán được các khoản nợ trong điều kiện kinh doanh bình thường.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Novaland đạt 238.800 tỷ đồng, gần như tương đương hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, tiền mặt giảm mạnh xuống còn gần 850 tỷ đồng, và khoản tương đương tiền còn 1.300 tỷ đồng. Tổng giá trị hai khoản mục này chiếm chưa tới 1% tổng tài sản của Novaland.
Trong khi đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu đã tăng lên, lần lượt đạt 144.000 tỷ đồng và hơn 76.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của Novaland cũng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính lên tới 59.200 tỷ đồng.
Về các lo ngại của đơn vị kiểm toán, ban lãnh đạo Novaland khẳng định tập đoàn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để có thể tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho hoạt động.
Novaland cũng đã lập kế hoạch tái cấu trúc dòng tiền thông qua các nỗ lực đàm phán tái cấu trúc các khoản nợ gốc và lãi khi đến hạn; thu hồi tiền từ các sản phẩm đã và sẽ bán tại các dự án khi hoàn thiện thủ tục pháp lý; tìm kiếm nguồn tín dụng bổ sung từ ngân hàng và nhận hỗ trợ tài chính từ các cổ đông lớn khi cần thiết.
Đáng chú ý, Novaland tiết lộ có kế hoạch bán thanh lý tài sản với giá trị dự kiến thu về là hơn 25.439 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) nhằm duy trì khả năng hoạt động.
Ban lãnh đạo Novaland cho biết thêm, tập đoàn đã bán một tài sản với giá 1.000 tỷ đồng, ký hợp đồng nguyên tắc bán 7 tài sản trị giá 12.363 tỷ đồng, ký 3 biên bản ghi nhớ bán 3 tài sản trị giá 9.100 tỷ đồng...
Theo cập nhật phân tích mới đây của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Novaland có thể ghi nhận lãi 25 tỷ đồng trong năm nay, nhưng sau đó sẽ là 3 năm lỗ liên tiếp trước khi ghi nhận lãi trở lại vào năm 2028. Trong đó, TCBS dự báo Tập đoàn Novaland có thể lỗ tới 591 tỷ đồng trong năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận