menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Cơ chế vay nợ đặc thù của TP.HCM vì sao chưa phát huy hiệu quả?

Ba năm liền mức dư nợ vay của TP.HCM luôn thấp so với mức được Quốc hội cho phép, cao nhất chỉ đạt 34,9%.

Ngày 24/11/2017 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết số 54).

Theo Điều 8 của Nghị quyết, “Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020”.

“chưa phát huy hiệu quả”

Trong đợt 1 của kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua, cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết số 54 cho phép TP.HCM được thí điểm thực hiện 4 chính sách lớn về đất đai, về quản lý đầu tư, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và chính sách về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Một trong những cơ chế được bàn thảo rất nhiều khi quyết định ban hành Nghị quyết số 54 là cho phép TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, mức dư nợ vay của Thành phố từ năm 2018-2020 luôn đạt ở mức thấp so với mức được Quốc hội cho phép.

Cụ thể: dư nợ vay đến ngày 31/12/2018 là 18.502 tỷ đồng, bằng 26,5% mức dư nợ cho phép; dư nợ vay đến ngày 31/12/2019 là 17.552 tỷ đồng, bằng 26,3% mức dư nợ cho phép; ước tính dư nợ vay đến ngày 31/12/2020 là 23.752 tỷ đồng, chỉ bằng 34,9% mức dư nợ cho phép (mức dư nợ cho phép tối đa không quá 90% thu thành phố được hưởng theo phân cấp là 67.940 tỷ đồng).

“Như vậy, cơ chế đặc thù này chưa phát huy hiệu quả trên thực tế. Có ý kiến cho rằng, mức dư nợ vay của Thành phố được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm là quá cao, không khả thi, do đó đề nghị cần điều chỉnh mức dư nợ vay của Thành phố xuống mức thấp hơn” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cơ chế vay nợ đặc thù của TP.HCM vì sao chưa phát huy hiệu quả?

Vì sao thấp?

Theo giải thích của Chính phủ thì nguyên nhân vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho Thành phố vay lại giai đoạn 2018-2020 không đạt dự toán chủ yếu do việc chuẩn bị thủ tục đầu tư để dự án vay chậm; do vướng giải phóng mặt bằng, đấu thầu chậm (Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương, Dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2, Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM).

Bên cạnh chính sách chưa phát huy hiệu quả nói trên thì có những chính sách còn chưa được triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 54 cho phép TP.HCM ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí. Nhưng cơ quan thẩm tra cho biết, qua 3 năm thực hiện, đến nay Thành phố chưa ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ về những vướng mắc, nguyên nhân chậm triển khai nội dung này và chưa làm rõ tiến độ, kế hoạch dự kiến triển khai một số khoản phí mới theo báo cáo của Chính phủ.

Nghị quyết số 54 còn cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến thời điểm hiện nay Thành phố chưa ban hành chính sách điều chỉnh thuế suất thuế đối với các loại hàng hóa trong danh mục biểu thuế tiêu thụ đặc biệt và biểu thuế bảo vệ môi trường.

Trong năm 2018, TP.HCM đã tiến hành thống kê, thu thập số liệu, dự thảo Đề cương Đề án xây dựng thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, tuy nhiên đến nay vẫn trong giai đoạn đánh giá tác động của nội dung này, theo kết quả được nêu tại báo cáo thẩm tra.

Ngoài những chính sách nói trên vẫn còn không ít chính sách thí điểm được thực hiện ở mức độ thấp, song Chính phủ vẫn kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 và tổng kết thực hiện nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả